Rachel Lio, người sáng lập thương hiệu thời trang Rock Daisy ở Singapore, đã giới thiệu một loạt trang phục mới được làm hoàn toàn từ sợi tự nhiên, chủ yếu dành cho phụ nữ châu Á. Công ty sử dụng Tencel, một loại sợi được sản xuất từ cây bạch đàn.
Loại vải này do công ty Lenzing có trụ sở tại Áo phát triển và công ty này thu thập nguyên liệu từ Indonesia, sau đó làm việc với các thợ dệt ở khu vực Tây Java.
Rachel Lio chia sẻ: “Khi tôi hiểu thêm về mức độ gây ô nhiễm của ngành thời trang, đó thực sự là một lời cảnh tỉnh. Vì vậy, tôi quyết định thành lập Rock Daisy".
Mặc dù giá thành của sợi này cao hơn khoảng 7 lần so với polyester, một chất liệu dẫn xuất từ dầu mỏ, nhưng Rachel Lio cho biết đây là một “bước đi mạnh mẽ” cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng đôi khi người tiêu dùng cần phải hiểu về lý do vì sao sản phẩm có giá cao hơn như vậy.
Các cơ quan quản lý ở châu Âu đang nỗ lực thiết lập các quy định mới vào năm 2030, đòi hỏi tất cả các sản phẩm may mặc được bán trong khu vực này phải sử dụng vật liệu có thể tái chế, bền vững và không chứa chất độc hại. Dường như Mỹ cũng sẽ tiến hành các biện pháp tương tự trong tương lai
Chỉ có khoảng 12% quần áo trên toàn cầu được tái chế và phần lớn cuối cùng trở thành rác thải do xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, dường như có sự thay đổi trong xu hướng này.
TAL Apparels, một nhà sản xuất may mặc hàng đầu có trụ sở tại Hong Kong, đang dự báo sẽ có chuyển đổi từ thời đại tiêu thụ quần áo siêu nhanh sang thời trang bền vững và tối giản.
Delman Lee, Phó chủ tịch của TAL, cho biết: "Hiện có một phong trào đang nổi lên với mong muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh may mặc".
TAL đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí nhà kính so với mức cơ bản năm 2018 và đã áp dụng một loạt các biện pháp như thu mua vải và bông từ các nguồn cung ở các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam.
Công ty này cung cấp sản phẩm từ những nguyên liệu này cho các thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ như Brooks Brothers và JC Penney.
Lee cho biết, một trong những cách quan trọng mà họ đang áp dụng là thay thế năng lượng từ than bằng năng lượng tái tạo trong các quy trình sản xuất, và họ cũng khuyến khích các nhà cung cấp cấp cao hơn thực hiện điều tương tự với các quy trình như dệt và nhuộm.
Từ năm 2009 đến năm 2018, TAL đã giảm 21% lượng khí nhà kính cho mỗi đơn vị sản phẩm, tương đương với việc tránh được 23.450 tấn khí thải CO2.
Công ty cũng đã tăng sử dụng loại bông tốt hơn để giảm tác động đến môi trường. Trồng bông có thể gây ra nhiều vấn đề môi trường, như suy thoái đất, khan hiếm nước và sử dụng hóa chất độc hại.
Delman Lee cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một dự án để hợp tác trực tiếp với các trang trại trồng bông tái sinh và cam kết mua bông từ họ. Chúng tôi đưa ra cam kết này vì nhận thức về tính bền vững vẫn chưa phổ biến đối với nông dân".