Những đợt nắng nóng gay gắt trong tháng 7 và tháng 8 cũng khiến mực nước sông, hồ giảm mạnh, và tình hình sẽ chỉ đảo ngược nếu dự báo mưa bắt đầu từ tuần sau. Thông báo của Coldiretti nêu rõ: "Những cơn giông lớn và lượng mưa dữ dội chỉ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, đồng thời gây ra lở đất vì đất khô không thể hấp thụ lượng nước dư thừa".
Theo Coldiretti, nắng nóng và hạn hán đã tác động tiêu cực đến sản lượng cây trồng năm nay. Sản lượng lúa mì giảm 10%, nho làm rượu vang giảm 14% và lê giảm 63% so với năm 2022. Tương tự, sản lượng mật ong giảm 70% và sản lượng sữa bò giảm tới 20%.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến khủng hoảng khí hậu, bao gồm mưa lớn, nhiệt độ thấp và nắng nóng gay gắt trong tháng 7 và tháng 8, đã gây thiệt hại hơn 6 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn của Italy.
Coldiretti đang gióng lên hồi chuông cảnh báo người nông dân rằng tình trạng thời tiết khắc nghiệt, khi nhiệt độ ở một số vùng tại Italy lên đến hơn 40 độ C, đang diễn ra trong mùa Hè này có thể trở thành thường xuyên hơn và kêu gọi người nông dân tiếp tục tiến hành điều chỉnh kế hoạch trồng trọt và chăn nuôi. Coldiretti cho rằng nhiệt độ cao sẽ khiến cây trồng không phát triển bình thường vì thiếu nước, qua đó tác động xấu đến năng suất mùa màng.
Ngoài yếu tố nhiệt độ tăng cao kỷ lục, ngành nông nghiệp Italy còn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại nhiều khu vực miền Bắc đất nước, trong khi nạn cháy rừng và hạn hán gây thiệt hại tại miền Nam.