Theo ông Walker, lệnh cấm của Facebook được đưa ra trong thời kỳ đại dịch toàn cầu là "một ví dụ điển hình của một thế lực độc quyền hành xử như một kẻ bắt nạt sân trường, cố gắng bảo vệ ngôi vị thống trị của mình mà không dành sự quan tâm nhiều cho người dân và khách hàng mà họ được cho là phục vụ.
Những hành động của Facebook ở Australia cho thấy chính xác lý do tại sao chúng ta cần những cơ quan tài phán trên toàn cầu, trong đó có Vương quốc Anh, để phối hợp đưa ra quy định mạnh mẽ nhằm tạo ra một sân chơi công bằng giữa những gã khổng lồ công nghệ và những nhà cung cấp tin tức".
Trong khi đó, các hãng truyền thông Đức cũng kêu gọi có quy định chặt chẽ hơn với Facebook sau khi gã khổng lồ truyền thông xã hội này có động thái chặn tất cả nội dung tin tức ở Australia.
Trong một thông báo, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Các nhà phát hành số và báo chí Đức (BDZV) Dietmar Wolff nêu rõ: "Đã đến lúc các chính phủ trên toàn thế giới hạn chế sức mạnh thị trường của nền tảng quyền kiểm soát truy cập".
Ông Wolff cho biết thêm nếu Facebook đã bắt đầu đưa ra nội dung tin tức của riêng họ, mạng xã hội này phải được kiểm soát như một công ty truyền thông toàn cầu.
Nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ sau khi Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức nhằm phản đối dự luật mới ở nước này. Quyết định được đưa ra ngày 18/2 đồng nghĩa các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí ở Australia không thể đăng tin tức lên trang Facebook của họ.
Trong khi đó, người dùng nước này không thể chia sẻ và xem tin bài, kể cả trong nước và quốc tế trên Facebook. Người dùng Facebook trên toàn thế giới cũng không thể chia sẻ hoặc xem tin bài từ các nhà xuất bản Australia.
Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết động thái này là nhằm phản đối việc Quốc hội Australia đang xem xét thông qua dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.