Nhiều năm trời, huấn luyện viên thể hình Amanda Tikalsky đã không phải lo lắng về công việc của mình. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, câu lạc bộ thể thao Milwaukee - nơi cô làm việc trong suốt 15 năm - đã phải đóng cửa. Tikalsky đã phải rất chật vật tổ chức các buổi tập trực tuyến để kiếm thêm thu nhập. Hiện có khoảng 25% khách hàng của cô đã tham gia.
“Đây là một sự thay đổi với tất cả mọi người. Chúng tôi đã quen với việc đến gặp nhau luyện tập trực tiếp”, cô nói.
Nhưng ngay cả khi dịch bệnh qua đi, Tikalsky dự đoán rằng nhiều khách hàng của cô sẽ lựa chọn tiếp tục tập thể dục tại nhà. Lệnh phong toả cũng làm thay đổi thói quen mua sắm của Tikalsky vì cô đã có cách nhìn nhận mới mẻ về việc mua hàng trực tuyến và đánh giá cao sự thuận tiện của dịch vụ này.
Theo hãng tin AP, đại dịch chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu đậm đối với tất cả mọi người, từ cách làm việc, mua sắm và giao tiếp xã hội. Các chuyên gia dự đoán rằng có lẽ dịch bệnh cũng sẽ thay đổi vĩnh viễn cách thức hoạt động của nhiều ngành dịch vụ. Người tiêu dùng sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ trước khi quyết định đến các nhà hàng hay rạp chiếu phim đông đúc. Nhiều doanh nghiệp sẽ chấp nhận sự hiệu quả khi nhân viên làm việc tại nhà và hoạt động mua sắm trực tuyến cũng sẽ gia tăng.
“Chúng ta không bao giờ gặp khủng hoảng khi chúng ta không tụ tập xã hội cùng mọi người”, ông John Gordon, người sáng lập Tập đoàn tư vấn quản lý Thái Bình Dương tại San Diego, cho biết.
Tính đến tháng 3, các nhân viên dịch vụ, từ người rửa bát đến đại lý bất động sản, đã nhận được nhiều thành tựu kỷ lục trong thị trường việc làm. Việc làm trong các ngành dịch vụ tại Mỹ đã tăng lên trong nhiều thập kỷ. Nhưng sau đó, đại dịch COVID-19 kéo đến làm đảo lộn nền kinh tế dịch vụ chiếm 84% việc làm của các doanh nghiệp tư nhân Mỹ. Dịch bệnh đã làm 659.000 người mất việc trong tháng 3, 94% số việc làm đã đã “tiêu tan” vào tháng trước khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/4, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể leo lên mức khủng hoảng lớn. Tuy nhiên, vì nền kinh tế đã ở trong tình trạng vững chắc trước khi dịch bùng phát, nên việc trở lại làm việc bình thường có thể xảy ra nhanh hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái hoặc sau cuộc đại suy thoái giai đoạn 2007-2009.
Virus SARS-CoV-2 đã là giáng đòn mạnh mẽ vào các doanh nghiệp phụ thuộc vào những cuộc tụ họp xã hội như nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn, các hãng hàng không, phòng tập thể dục, trung tâm mua sắm... Ông Neil Saunders, Giám đốc Điều hành của công ty nghiên cứu GlobalData Retail, cho biết có hơn 250.000 cửa hàng hiện đang phải tạm thời đóng cửa.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, người dân vẫn không muốn ra ngoài mua sắm khi tình hình đã dịu đi, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế học tại Công ty Tư vấn và Kế toán Grant Thornton, cho biết, khi ở nhà, người Mỹ đã cảm nhận rõ hơn sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến, điều này có khả năng đẩy mạnh sự suy giảm của các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa phòng ăn, giảm dịch vụ mua về, giao nhận hàng hoá. Bà Swon hy vọng xu hướng giao đồ ăn nhanh sẽ tiếp tục phát triển sau cuộc khủng hoảng sức khoẻ này.
Ông Gordon dự đoán rằng khi đại dịch qua đi, chính quyền địa phương sẽ giảm chỗ ngồi của nhà hàng để dễ dàng quán xuyến được khách hàng.
Hàng triệu người Mỹ đã dành nhiều tuần làm việc tại nhà và kinh nghiệm này đã khiến nhiều ông chủ “mở rộng tầm mắt”. Các cuộc họp và thậm chí các bữa tiệc thực tế ngoài giờ có thể được tổ chức trên các ứng dụng như Zoom, WhatsApp hoặc các chương trình khác.
“Bạn có thể nhận thấy rằng chúng ta có thể tổ chức những cuộc hội thảo và họp trực tuyến dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta không phải đi lại bất cứ nơi nào”, Arindrajit Dube, nhà kinh tế tại Đại học Amherst, bang Massachusetts, Mỹ cho biết.
Làm việc tại nhà cũng là một hình thức làm việc hấp dẫn đối với thị trường bất động sản. Điều này cho phép nhiều nhân viên mở rộng các lựa chọn tư vấn nhà ở vì họ không phải đi lại để làm việc.
Tuy nhiên, cũng có những giới hạn với sự hăng hái của người Mỹ khi họ tự cách ly tại nhà.
Becky Ahlgren Bedics, 49 tuổi, sống tại thành phố Fishers, bang Indiana, đã tập luyện qua Zoom kể từ khi câu lạc bộ thể dục của cô tạm thời đóng cửa vào giữa tháng 3. Cô cho biết sẽ đi bộ đến câu lạc bộ khi nó mở cửa vì rất nhớ những người bạn của mình.