Sau đó, ông Blinken đã khởi động cuộc đàm phán dự kiến kéo dài 4 ngày giữa hai bên tại một cơ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ bên ngoài thủ đô Washington. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước ở Nam Caucasus.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ "Mỹ vui mừng khi được đón tiếp Ngoại trưởng Amerina Ararat Mirzoya và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại trong tuần này trong bối cảnh hai bên cùng nhau theo đuổi tương lai hòa bình cho khu vực Nam Caucasus". Theo ông Patel, Ngoại trưởng Blinken tin rằng "đối thoại trực tiếp là chìa khóa để giải quyết các vấn đề và đạt được hòa bình lâu dài".
Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 29/4 với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời cam kết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ vấn đề này.
Cùng ngày 1/5, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục tiêu của Washington là "đảm bảo các ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan có thể ngồi lại và đối thoại với nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là hai bên có thể duy trì các cuộc đàm phán".
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh - khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân. Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 vừa qua thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh.