Nhóm chuyên gia trên gồm 2 nhà khoa học Ove Hoegh-Guldberg và Terry Hughes tại Trung tâm nghiên cứu san hô thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học quốc gia của Australia; chuyên gia Andrea Grottoli thuộc Hiệp hội San hô quốc tế; nhà khoa học Johan Rockstroem thuộc Viện nghiên cứu Khí hậu Potsdam của Đức và nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ Sylvia Earle.
Nội dung bức thư của họ nhấn mạnh UNESCO "đã đưa ra quyết định đúng đắn" khi đề xuất đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới "đang gặp nguy hiểm".
Trong báo cáo sơ bộ công bố hồi tháng 6 vừa qua, trước thềm một hội nghị quan trọng dự kiến diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 16-31/7 tới, UNESCO cho rằng hệ sinh thái san hô lớn nhất thế giới - viên ngọc trên vương miện du lịch của Australia - đang bị hủy hoại chủ yếu do Trái Đất ấm lên.
Bà Fanny Douvere, phụ trách chương trình Di sản đại dương thế giới của UNESCO, nhận định "đây là lời cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế và toàn thể nhân loại rằng hệ sinh thái Great Barrier đang lâm nguy". Bà Douvere cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch của UNESCO được đưa ra dựa trên các báo cáo khoa học từ chính Australia.
Ủng hộ kế hoạch trên, các nhà khoa học nhận định việc bảo vệ rạn san hô Great Barrier đòi hỏi toàn cầu phải hành động hiệu quả để giảm phát thải khí carbon. Tuy nhiên, họ cho rằng Australia cho đến nay vẫn chưa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong nỗ lực chung toàn cầu này khi không tham gia cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Trong khi đó, Canberra bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ quyết định của UNESCO, cho rằng việc đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới "đang gặp nguy hiểm" sẽ tác động tiêu cực tới ngành du lịch Australia.
Tuần trước, các nhà đại diện ngoại giao của Australia và 11 quốc gia khác tại UNESCO cũng gửi thư tới cơ quan này để bày tỏ "quan ngại chung" về quyết định liên quan tới rạn san hô Great Barrier. Nội dung thư cho rằng bất kỳ khuyến nghị nào về các di sản thế giới cũng nên dựa trên "sự tham vấn chặt chẽ" với quốc gia sở hữu di sản đó.
Được tôn vinh là Di sản thiên nhiên Thế giới vào năm 1981, song cho đến nay rạn san hô Great Barrier là một trong 7 di sản dự kiến sẽ được liệt vào danh sách "đang gặp nguy hiểm" do suy giảm môi trường sinh thái, do tác động của tình trạng phát triển quá mức và khai thác du lịch quá mức.
Trải dài hơn 2.400 km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, các mức nhiệt cao kỷ lục gây ra các đợt tẩy trắng san hô vào các năm 2016 và 2017 đã làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản. Điều này có nghĩa là khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt đã bị tổn thương.