Hãng Bloomberg đưa tin nhiều nhà đầu tư phương Tây - đặc biệt ở cấp độ tổ chức lớn - đang bán phá giá vàng miếng. Trong khi đó, người mua châu Á đang tận dụng cơ hội trên để mua đồ trang sức, tiền xu và vàng thỏi với giá rẻ hơn.
Một lượng lớn vàng đang được chuyển khỏi các hầm chứa ở những trung tâm tài chính lớn như New York, và hướng về phía Đông để đáp ứng nhu cầu tại thị trường vàng Thượng Hải hoặc Istanbul.
Trên thực tế, các nhà cung cấp châu Á đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ vàng cho thị trường khu vực. Do đó, phí bảo hiểm ở nhiều nước châu Á đã tăng lên đáng kể. Phí bảo hiểm trung bình của tháng 9 ở Trung Quốc đạt mức cao nhất hàng tháng trong gần 6 năm qua.
“Động cơ để dự trữ vàng đã thấp hơn rất nhiều. Giờ đây, vàng đang dịch chuyển từ Tây sang Đông”, ông Joseph Stefans, Giám đốc bộ phận giao dịch của MKS PAMP SA nói với Bloomberg.
Các hầm chứa ở New York và London đã báo cáo xuất đi khoảng 527 tấn vàng kể từ cuối tháng 4, theo dữ liệu từ CME Group và Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London. Đồng thời, lượng nhập khẩu vàng vào Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 8 vừa qua.
Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Saudi Arabia cũng ghi nhận mức nhập khẩu tăng đối với loại kim loại quý này.
Ngoài ra, nhu cầu đối với bạc cũng ngày càng tăng lên tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Phí bảo hiểm đối với bạc đã tăng gấp ba lần trong những tháng gần đây.
Giới quan sát cũng nhận thấy xu hướng mua vàng của người châu Á trong các giao dịch tại ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng vàng trong 5 tháng liên tiếp và tất cả các khoản mua lớn đều ở phương Đông.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung vàng vào kho dự trữ của nước này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong năm 2022. Với việc mua 8,9 tấn trong riêng tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng dự trữ vàng thêm 84 tấn trong 8 tháng đầu năm. Thổ Nhĩ Kỳ hiện nắm giữ 478 tấn vàng trong ngân hàng trung ương và kho bạc, mức cao nhất kể từ quý 2 năm 2020.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng là một bên mua lớn vào năm 2022. Tổng dự trữ vàng của ngân hàng này hiện ở mức 782,7 tấn, xếp hạng là quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ chín trên thế giới. Kể từ khi tiếp tục mua vào cuối năm 2017, RBI đã mua hơn 200 tấn vàng. Vào tháng 8/2020, có báo cáo cho rằng RBI đang xem xét tăng mạnh lượng vàng dự trữ.
Những khách hàng mua vàng lớn khác trong năm nay còn có Kazakhstan, Uzbekistan, Qatar và Iraq.
Ở phương Đông, nhiều người vẫn chủ yếu sử dụng vàng để tiết kiệm và bảo quản của cải.
Đối với hàng triệu người ở châu Á, vàng vẫn luôn là hình thức tiết kiệm cơ bản. Ngược lại với phương Tây, nơi tài chính hóa bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước và vàng đã dần bị loại bỏ khỏi cuộc sống hàng ngày. Ở phương Tây, người dân sở hữu ít hoặc không có vàng khi họ cảm thấy tự tin về tài chính. Người dân phương Đông vẫn giữ quan điểm lâu dài về tích trữ vàng, nên sức mua không hề giảm qua nhiều thế hệ.
Ví dụ, các hộ gia đình ở Ấn Độ sở hữu khoảng 25.000 tấn vàng và con số này có thể cao hơn do phần lớn giao dịch diễn ra tại thị trường chợ đen lớn ở nước này. Ngay cả những người nghèo cũng mua vàng ở quốc gia châu Á này. Theo một cuộc khảo sát của ICE 360 vào năm 2018, cứ hai hộ gia đình ở Ấn Độ thì có một hộ mua vàng trong vòng 5 năm qua. Nhìn chung, 87% hộ gia đình trong nước sở hữu một số lượng vàng nhất định.
Vì vậy, trong khi các nhà đầu tư ở phương Tây đang bán tháo vàng khi giá giảm xuống, các nhà đầu tư ở phương Đông đang tận dụng lợi thế của mức giá tương đối thấp đó để thu mua vàng, trước tình hình lạm phát ăn mòn giá trị của đồng nội tệ.