Tuần trước, Liên minh an ninh ba nước Mỹ, Anh và Australia mang tên AUKUS - cho phép Australia có được tàu ngầm năng lượng hạt nhân - đã khiến Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang tại khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển này. Sau đó, hai thành viên chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia và Malaysia cũng bày tỏ quan ngại tương tự.
Tờ Bloomberg nhận định sự thận trọng ở ASEAN là rất quan trọng, đặc biệt là khi cả Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Australia Scott Morrison đều trấn an rằng hợp đồng chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho sự ổn định của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời đề cập mong muốn hợp tác với khối 10 quốc gia Đông Nam Á.
ASEAN đã tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, dựa vào hỏa lực của Mỹ để ngăn Trung Quốc thiết lập vị thế bá chủ trong khu vực, trong khi ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế. AUKUS có nguy cơ thay đổi phương trình đó do việc làm tăng tỷ lệ đối đầu giữa Washington – Bắc Kinh, có thể gây ra hậu quả về kinh tế và an ninh quốc gia. Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, nhận xét: “Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng và đối đầu quân sự lớn hơn”.
Khi quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên sáng tỏ hơn những năm gần đây, những quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang nhận thấy việc cân đối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng trở nên khó khăn. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tìm cách buộc các đồng minh tránh sử dụng thiết bị 5G của Huawei, trong khi Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trả đũa thương mại - nổi bật nhất là chống lại Australia - để cảnh báo các quốc gia không thách thức lợi ích của họ.
Theo lập luận của bà Natasha Kassam, cựu quan chức ngoại giao Australia tại Trung Quốc và hiện là Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại và dư luận của Viện Lowy, nhiều nước châu Á trong đó có Singapore, Indonesia và Philppines, có thể thấy bất an khi vừa quan hệ an ninh với Mỹ cùng lúc quản lý quan hệ với Trung Quốc.
Bà Kassam nói: “Có nguy cơ đáng kể rằng AUKUS sẽ gây thêm bất ổn cho khu vực. Australia đang đánh cược rằng việc tăng cường tiềm lực cùng khả năng răn đe sẽ đảm bảo một trật tự có lợi cho họ, song không thể làm giảm khả năng xảy ra chạy đua vũ trang hay bất đồng với các đối tác trong khu vực”.
Phát biểu tại sân bay Sydney sáng 20/9, Thủ tướng Morrison cho biết ông đang nỗ lực tạo ra một thế giới an toàn hơn và ổn định hơn trước giờ lên đường đến Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông cũng sẽ tham dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo đối tác an ninh Bộ Tứ tại Nhà Trắng vào ngày 24/9 tới.
Trong khi Thủ tướng Morrison dành phần lớn thời gian trong vài ngày qua xoa dịu Pháp, Đại sứ Australia tại ASEAN đã ra một tuyên bố dài cho biết sự ủng hộ của quốc gia này đối với vị trí trung tâm của Đông Nam Á vẫn kiên định như xưa nay. Tuyên bố nhấn mạnh: “AUKUS sẽ cho phép chúng tôi chia sẻ công nghệ và tiềm lực tốt hơn. Nó không phải là một liên minh hoặc hiệp ước quốc phòng”.
Indonesia là quốc gia đầu tiên trong khu vực chỉ trích thỏa thuận này. Jakarta lo ngại sâu sắc về việc tiếp diễn chạy đua vũ trang cùng sự hình thành quyền lực trong khu vực”. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob sau đó bày tỏ mối lo rằng AUKUS có thể kích động các cường quốc khác hành động mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở Biển Đông.
Về phía Singapore, họ chỉ bảy tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với người đồng cấp Australia qua điện đàm rằng họ thừa nhận Canberra có quyền mua tàu ngầm mới, cùng lúc nhấn mạnh Manila muốn có quan hệ quốc phòng tốt đẹp với tất cả các nước trong khu vực.
Triều Tiên cũng lên tiếng cảnh báo AUKUS sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, bất chấp việc chính họ theo đuổi vũ khí nguyên tử nhiều năm qua.
Cựu quan chức ngoại giao Australia Rory Medcalf - người đã viết cuốn sách “Đế chế Ấn Độ - Thái Bình Dương” - cho biết ông đang chờ đợi phản ứng chính thức của ASEAN với AUKUS trong bối cảnh những “người chơi” lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc đều đang ủng hộ thỏa thuận này.