Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các biện pháp này chủ yếu nhắm vào những người chưa được tiêm chủng, mặc dù họ vẫn có thể thực hiện các xét nghiệm với chi phí riêng ở hầu hết các quốc gia Châu Âu.
Ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%. Đối mặt với làn sóng mới này, các quốc gia thành viên đang áp dụng các biện pháp hạn chế về y tế.
Theo đánh giá của báo The Independent, Anh, đến nay các chính phủ vẫn cho rằng việc phong tỏa không còn cần thiết vì việc triển khai tiêm chủng diện rộng, tuy nhiên, sự gia tăng của các trường hợp lây nhiễm đã làm thay đổi tình hình.
Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu được cho là “rất đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia) và “đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên khác.
Do đó, một số quốc gia thành viên EU đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Tại Áo, nơi mà tỷ lệ mắc COVID-19 thuộc loại cao nhất châu Âu, Thủ tướng Áo, Alexander Schallenberg, ngày 14/11, đã thông báo về việc thực hiện phong tỏa đối với những người chưa được tiêm chủng kể từ ngày 15/11. Báo Les Echos ngày 14/11 nhận định, đây là biện pháp mạnh đầu tiên ở châu Âu, nơi cho đến nay chưa có quốc gia nào hạn chế những người chưa được tiêm chủng. Cũng theo Les Echos, biện pháp này đi kèm với các biện pháp kiểm tra không báo trước ở quy mô chưa từng có, khi chính phủ Áo khẳng định sẽ thiết lập thêm cảnh sát tuần tra.
Còn theo báo Ouest-France, những người chưa được tiêm chủng cũng là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng dịch ở Latvia, nơi các đại biểu, quan chức dân cử địa phương… chưa tiêm chủng sẽ không thể tham gia vào các cuộc tranh luận, bỏ phiếu hoặc thậm chí nhận lương. Tờ báo này cho biết mục tiêu của các biện pháp trên là để đảm bảo rằng các quan chức do dân cử phải làm gương khi mà tỷ lệ tiêm chủng ở nước này không đạt 60% và tình trạng nhiễm mới đang gia tăng.
Còn tại Hà Lan, nước này đã quyết định một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 6 giờ chiều trong khi các cửa hàng thiết yếu như siêu thị phải đóng cửa lúc 8 giờ tối.
Một số quốc gia châu Âu khác chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cũng đang lên kế hoạch cho các quy định mới... Đặc biệt là trường hợp của Đức, nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và chứng kiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần. Để đối phó với tình hình nghiêm trọng này, Chính phủ Đức đang xây dựng một dự luật để chuẩn bị áp dụng lại hình thức làm việc từ xa. Theo dự luật này, giới chủ tại Đức sẽ buộc phải có phương án để nhân viên làm việc tại nhà nếu không có 'lý do nghề nghiệp thuyết phục' để đến văn phòng. Bất cứ ai đi làm cũng sẽ được yêu cầu chứng minh rằng đã được tiêm phòng hoặc rằng đã có kết quả xét nghiệm âm tính .
Ở Pháp, theo báo Le Point, sự bùng phát của dịch tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên, tất cả các khoa điều trị tại các bệnh viện của Pháp đều được chuyển sang cấp độ 2 trong quy trình y tế, và nước này quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh kể từ ngày 15/11.