Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn phát biểu khai mạc của Tổng thống Cyril Ramaphosa tại Diễn đàn AGOA lần thứ 20 ở thành phố Johannesburg nhấn mạnh “giá trị to lớn” của việc giữ lại tất cả các quốc gia được hưởng lợi để hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị khu vực và hỗ trợ công nghiệp hóa trên lục địa châu Phi.
AGOA, có hiệu lực từ năm 2000, cho phép hàng xuất khẩu từ hơn 30 quốc gia châu Phi đủ tiêu chuẩn tiếp cận miễn thuế vào thị trường sinh lợi của Mỹ. Đạo luật này, đã được gia hạn 2 lần, sẽ hết hạn vào năm 2025.
Với chủ đề “Hợp tác xây dựng một chương trình nghị sự linh hoạt, bền vững và toàn diện nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và tạo việc làm có chất lượng”, Diễn đàn AGOA lần thứ 20, từ ngày 2-4/11, là nơi các quan chức thương mại thảo luận về tương lai của thỏa thuận này, trong bối cảnh một số người kêu gọi gia hạn AGOA thêm 20 năm nữa.
Mặc dù một số quốc gia châu Phi được cho là ủng hộ việc gia hạn thêm 10 năm, nhưng Tổng thống Nam Phi cho răng thời gian dài hơn có thể sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Phát biểu trước hàng trăm đại diện thương mại của Mỹ và các nước châu Phi đang hưởng lợi từ đạo luật, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các bạn xem xét khả năng gia hạn AGOA trong một khoảng thời gian đủ dài để AGOA đóng vai trò khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy mới ở lục địa châu Phi. Chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nếu cơ hội này được mở rộng và chúng tôi có thể xây dựng thêm năng lực nếu chúng ta chắc chắn hơn rằng thời gian gia hạn sẽ dài hơn”.
Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ châu Phi vào Mỹ theo AGOA đã phục hồi ở mức 10 tỷ USD trong năm 2022, so với 6,8 tỷ USD của năm 2021, và Nam Phi nổi lên là nước xuất khẩu hàng đầu, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong video phát biểu tại diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Biden không chỉ muốn gia hạn AGOA mà còn phối hợp với Quốc hội nước này tối ưu hóa đạo luật, song không nêu chi tiết về bất kỳ nội dung cải tiến nào.
Trong khi đó, đại diện Mỹ cho biết họ tiếp tục nhận thấy cơ hội để hình thành tầm nhìn mới, mạnh mẽ hơn cho hợp tác thương mại Mỹ-châu Phi.
Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đánh giá “nhiều thứ đã thay đổi” kể từ khi thành lập chương trình này 23 năm trước và đề xuất “hiện đại hóa và chuyển đổi” mối quan hệ đối tác Mỹ-châu Phi. Theo bà, những cuộc thảo luận cũng nên tập trung vào việc cải thiện tỷ lệ sử dụng, khám phá các công cụ thương mại bổ sung để tăng cường cho mối quan hệ AGOA, hợp tác triển khai Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi và sử dụng hệ thống thương mại đa phương vì lợi ích của các nhóm chưa được quan tâm.
Bà Tai nêu rõ tầm nhìn của Mỹ là tạo ra sự khác biệt thông qua các hiệp định thương mại đối với cuộc sống của hàng triệu người châu Phi, tuy nhiên, mục tiêu này gần đây đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng mong manh và dễ bị tổn thương, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng. Tuy vậy, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức này, Mỹ tin rằng vẫn có cơ hội để xây dựng tầm nhìn của mình đối với châu Phi.
Bà Tai bày tỏ: “Mỹ vẫn là đối tác tận tụy khi châu Phi tiếp tục hành trình của mình và như Tổng thống Biden đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ hoàn toàn tập trung vào châu Phi”.
Trước đó, bà Tai đã cùng Tổng thống Ramaphosa tham quan triển lãm “Made in Africa”, sự kiện đang được tiến hành song song với Diễn đàn AGOA. Hơn 600 doanh nghiệp từ lục địa châu Phi tham dự triển lãm và họ đã đưa ra yêu cầu rõ ràng là AGOA phải được gia hạn thêm nhiều năm để bảo vệ việc làm.