Sáng kiến, mang tên "Dự án Chương trình chuẩn bị, ứng phó và phục hồi khẩn cấp y tế" (HEPRR) dành cho các khu vực phía Đông và phía Nam châu Phi, trị giá 1 tỷ USD, dự kiến sẽ thay đổi cách ứng phó với các tình huống liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Giới chức Bộ Y tế Kenya cho biết việc khởi động dự án - được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ này sẽ giúp tăng cường khả năng ứng phó của châu lục trước các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trên thực tế, các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Ebola, Marburg, sốt vàng da và Chikungunya đã gây áp lực đối với hệ thống y tế của châu Phi, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ. Do đó, chính phủ các nước châu Phi cần tăng cường ứng phó và xây dựng khả năng phục hồi trước các rủi ro liên quan đến khí hậu thông qua việc giám sát sức khỏe cộng đồng cũng như sản xuất dược phẩm và vaccine.
Cũng liên quan đến dự án này, Tổng giám đốc Cộng đồng Y tế Đông, Trung và Nam Phi Yoswa Dambisya cho hay một phần kinh phí của dự án sẽ được sử dụng để khởi động việc sản xuất vaccine tại châu Phi.
Còn theo Thư ký điều hành Cơ quan Phát triển Liên chính phủ khu vực Đông Phi (IGAD) Workneh Gebeyehu, việc triển khai sáng kiến nói trên là đúng thời điểm vì sẽ giúp khu vực phục hồi sau khi chịu những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19.
Dự án kéo dài 7 năm này sẽ được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm thu được từ việc ứng phó các đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, dịch tả và Ebola. Giai đoạn đầu tiên của dự án trị giá 359 triệu USD sẽ được thực hiện ở Ethiopia, Kenya, Sao Tome và Principe. Giai đoạn thứ hai sẽ bao gồm các nước Burundi, Rwanda, CHDC Congo và Malawi, trong khi giai đoạn thứ ba sẽ được triển khai ở Angola, Somalia và Tanzania.