Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: PAP/TTXVN |
Ngoại trưởng Tillerson, người vừa kết thúc chuyến thăm châu Âu kéo dài một tuần, cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp và Đức - các bên liên quan trong thỏa thuận năm 2015 - trong việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi nếu như không được sửa đổi. Theo ông Tillerson, các nhóm làm việc đã bắt đầu họp mặt với nỗ lực thống nhất các nguyên tắc, phạm vi cần giải quyết và mức độ tham gia thảo luận của Iran nhằm giải quyết các vấn đề này.
Theo ông Tillerson, thỏa thuận hạt nhân chỉ là "một phần nhỏ" trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Washington lo ngại nhiều hơn về các vấn đề khác, trong đó có nghi vấn Iran hỗ trợ lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen, điều mà Iran luôn bác bỏ.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015, nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định phải thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa với việc thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này. Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.
Trong khi đó, Iran khẳng định JCPOA là không thể đàm phán lại, đồng thời tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận này chừng nào các bên còn tôn trọng cam kết, nhưng sẽ từ bỏ nếu như Washington rút khỏi thỏa thuận.