Theo hai nguồn tin này, các đồng minh truyền thống của Saudi Arabia, gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Bahrain, cho rằng Saudi Arabia đã quá vội vàng khi hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ tăng sản lượng khai thác, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự "phối hợp chặt chẽ" giữa của Saudi Arabia và Nga, nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nằm ngoài OPEC. Theo một nguồn tin khác, sau cuộc họp tối 19/6, bộ trưởng dầu mỏ các nước vùng Vịnh vẫn có một số quan điểm khác nhau về mức tăng sản lượng và bất đồng về vấn đề tăng sản lượng khai thác có nên được thực hiện theo từng giai đoạn hay không.
Nga đã đề xuất các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC tăng sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng/ngày, chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày vốn đã giúp tái cân bằng thị trường trong 18 tháng qua và đẩy giá dầu lên mức gần 80 USD/thùng hiện nay, từ 27 USD/thùng hồi năm 2016.
Các thành viên OPEC gồm Iran, Iraq, Venezuela và Algeria đã phản đối đề xuất trên, bày tỏ quan ngại rằng giá dầu có nguy cơ suy giảm do dư nguồn cung. Tuy nhiên, các nguồn tin tiết lộ, OPEC vẫn có thể đạt được một thỏa thuận vào phút cuối về mức tăng dưới 1 triệu thùng/ngày, có thể là 0,5-0,7 triệu thùng/ngày, tại cuộc họp ngày 22/6.
Trong khi đó, Iran khẳng định OPEC sẽ không thể đạt được một thỏa thuận liên quan vấn đề sản lượng, trái với lập trường của Saudi Arabia và Nga, hai nước đang muốn nâng dần sản lượng khai thác từ tháng 7/2018 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu. Trong khi đó, Saudi Arabia vẫn quả quyết nước này sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì sự ổn định của thị trường và tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.