Ba nguồn tin thân cận với các chính phủ cho biết là một phần trong nỗ lực tránh mắc kẹt giữa các bên xung đột, các quốc gia vùng Vịnh - bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar - cũng từ chối cho Israel bay qua không phận, để tấn công Iran và đã chuyển thông điệp này tới Washington.
Israel đã thề Iran sẽ phải trả giá cho cuộc tấn công bằng tên lửa vào tuần trước. Trong khi đó, Tehran tuyên bố bất kỳ hành động trả đũa nào từ Tel Aviv cũng sẽ phải chịu sự tàn phá khủng khiếp. Những cảnh báo trên làm dấy lên lo ngại cuộc chiến tranh rộng lớn hơn sẽ bùng nổ trong khu vực và có thể kéo Mỹ vào cuộc.
Các động thái của các quốc gia vùng Vịnh diễn ra sau nỗ lực ngoại giao của Iran nhằm thuyết phục các nước láng giềng ở vùng Vịnh tận dụng ảnh hưởng với Washington, trong bối cảnh lo ngại Israel có thể nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu của Tehran.
Quan chức cấp cao của Iran tiết lộ trong các cuộc họp tuần này, Tehran đã cảnh báo Saudi Arabia rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu mỏ của quốc gia vùng Vịnh này, nếu Israel được hỗ trợ thực hiện một cuộc tấn công.
Ông Ali Shihabi, nhà phân tích thân cận với hoàng gia Saudi Arabia, cho biết: “Iran đã tuyên bố: ‘Nếu các quốc gia vùng Vịnh mở không phận của họ cho Israel, đó sẽ là một hành động chiến tranh’”.
Nhà ngoại giao này cũng cho biết Tehran đã gửi thông điệp rõ ràng tới Riyadh rằng các đồng minh của họ, ở các quốc gia như Iraq hoặc Yemen, có thể phản ứng nếu có bất kỳ sự ủng hộ nào trong khu vực dành cho Israel chống lại Iran.
Cuộc tấn công tiềm tàng của Israel cũng trọng tâm trong các cuộc hội đàm giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi hôm 10/10 tại Doha. Ông Araqchi đang có chuyến công du vùng Vịnh để tập hợp sự ủng hộ, các nguồn tin từ vùng Vịnh và Iran cho biết.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran, cùng với các cuộc trao đổi giữa Saudi Arabia và Mỹ ở cấp bộ quốc phòng, là một phần của nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một nguồn tin ở Washington xác nhận rằng các quan chức vùng Vịnh đã liên hệ với đối tác Mỹ để bày tỏ lo ngại về khả năng Israel có hành động trả đũa. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm về vấn đề trả đũa của Israel, và cả hai bên mô tả cuộc điện đàm này có kết quả tích cực.
Ông Jonathan Panikoff, cựu Phó Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ về Trung Đông, cho biết: "Mối lo ngại của các quốc gia vùng Vịnh có thể sẽ là chủ đề chính khi họ thảo luận với các đối tác Israel, nhằm thuyết phục nước này đưa ra phản ứng cẩn trọng hơn".
Theo hai quan chức cấp cao của Israel, Tel Aviv sẽ hiệu chỉnh phản ứng đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran. Tính đến ngày 10/10, Israel vẫn chưa quyết định liệu có tấn công các mỏ dầu của Iran hay không.
Song giới chức cho biết lựa chọn này là một trong số nhiều lựa chọn mà cơ quan quốc phòng đưa ra cho giới chức Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố: “Cuộc tấn công của chúng tôi sẽ gây chết người, chính xác và trên hết là gây bất ngờ. Họ sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào. Họ sẽ thấy hệ quả”.
Ba nguồn tin vùng Vịnh nêu rằng Saudi Arabia, với tư cách là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu cùng với các nước láng giềng sản xuất dầu - UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain - rất quan tâm đến việc hạ nhiệt tình hình.
“Chúng tôi sẽ ở giữa một cuộc chiến tên lửa. Đây là mối lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt là nếu cuộc tấn công của Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran”, một nguồn tin thứ hai của vùng Vịnh cho biết.
Các cơ sở dầu khí của Iran chủ yếu tập trung ở phía tây đất nước, gần Iraq, Kuwait và Saudi Arabia. Một số lượng lớn các cơ sở nằm ngoài khơi bờ biển Iran hoặc trên các đảo, chẳng hạn cảng xuất khẩu dầu chính của nước này trên đảo Kharg ở vịnh Ba Tư.
Việc phá hủy các cơ sở dầu mỏ có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vốn đã yếu kém của Iran và làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu khi chỉ còn một tháng trước cuộc bầu cử của Mỹ.
“Nếu giá dầu tăng vọt lên 120 USD/thùng, điều này sẽ gây hại cho cả nền kinh tế Mỹ và cơ hội của bà Harris trong cuộc bầu cử. Vì vậy, Mỹ sẽ không cho phép cuộc chiến dầu mỏ mở rộng”, một nguồn tin nói.
Trong khi đó, nguồn tin cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có đủ công suất dự trữ để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu nào của Iran nếu Israel tiến hành tấn công các cơ sở của nước này. Tuy nhiên, phần lớn công suất dự trữ này nằm ở khu vực vùng Vịnh, do đó nếu các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hay UAE bị tấn công, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề về nguồn cung dầu.
Các nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết việc bảo vệ tất cả các cơ sở dầu mỏ vẫn là một thách thức, mặc dù có hệ thống phòng thủ tên lửa và Patriot tiên tiến. Vì vậy, cách tiếp cận chính vẫn là ngoại giao - ra hiệu cho Iran rằng các quốc gia vùng Vịnh không gây ra mối đe dọa nào.
Ông Bernard Haykel, Giáo sư Nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton, lưu ý rằng Riyadh dễ bị tổn thương “vì Iran có thể bao vây các cơ sở đó do khoảng cách gần với đất liền”.
Iran sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 3% nguồn cung thế giới.