Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Nishimura, đồng thời chuyên trách về đàm phán CPTPP của Nhật Bản, cho biết quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 2/6 của Ủy ban CPTPP – cơ quan ra quyết định cao nhất của CPTPP. Ông nhấn mạnh sẽ nỗ lực “để đạt được kết quả tốt nhất có thể cho Nhật Bản” trong cuộc đàm phán liên quan đến việc Anh gia nhập CPTPP.
Theo dự kiến, trong vài tháng tới, các nước thành viên CPTPP và Vương quốc Anh sẽ thành lập các nhóm công tác để thảo luận về vấn đề thuế quan cũng như các quy tắc thương mại và đầu tư.
Tháng 2 vừa qua, Vương quốc Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, trở thành nước đầu tiên xin tham gia hiệp định này kể từ khi bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Ngoài Vương quốc Anh, một số nền kinh tế khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã thể hiện sự quan tâm.
Giới chuyên gia nhận định gia nhập CPTPP sẽ giúp Anh vượt qua các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, đa dạng hoá mạng lưới thương mại, đảm bảo lợi ích và duy trì vị thế trong tương lai, Theo hãng tin Reuter của Anh, London đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018 nhằm kích thích xuất khẩu trong giai đoạn hậu Brexit.
Được ký kết tại Chile vào tháng 3/2018, CPTPP hiện có 11 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau khi được Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand cùng Singapore thông qua và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019.
Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương.