Theo đó, trong một tuyên bố chung, Tổng giám đốc IMF cùng những người đứng đầu Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bày tỏ quan ngại khó có thể hoàn thành mục tiêu ít nhất 40% dân số tại mỗi nước trên thế giới được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối năm nay nếu không có những hành động khẩn cấp.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đã đặt mua trước vaccine nhiều hơn tổng cộng 2 tỷ liều so với mức cần thiết. Theo đó, những nước này cần khẩn cấp trao đổi số vaccine gần đến thời hạn chuyển giao cho các chương trình phân phối vaccine toàn cầu, nhờ đó có thể giải quyết sự bất bình đẳng vaccine đối với các nước có thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, tuyên bố kêu gọi các nước có thu nhập cao thực hiện cam kết viện trợ vaccine cho các nước đang khan hiếm.
Những người đứng đầu các tổ chức đa phương cũng hối thúc các hãng sản xuất vaccine ưu tiên và hoàn tất các hợp đồng cung cấp vaccine ký với Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa COVID-19 (COVAX) và Quỹ mua lại vaccine châu Phi (AVAT), đồng thời cải thiện tính minh bạch thông qua việc công bố chi tiết lộ trình bàn vaccine.
Mỹ đang dự định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 bên lề khóa họp thường niên lần thứ 76 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vào đầu tuần tới, trong đó một nội dung chủ chốt được thảo luận là khoảng cách về tỷ lệ tiêm vaccine giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời bà Georgieva tham dự sự kiện này, dự kiến diễn ra vào ngày 22/9.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu ủng hộ một mục tiêu tham vọng hơn về tiêm chủng ngừa COVID-19 tại hội nghị thượng đỉnh trên, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp ĐHĐ LHQ năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine.