Trong một phát biểu tại trụ sở WHO tại Geneva, đặc phái viên AU Strive Masiyiwa đã hối thúc các quốc gia sản xuất dược phẩm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu vaccine để tạo điều kiện cho châu Phi có thể tự giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh các nước giàu đã sẵn có nguồn cung vaccine này.
Ông Strive Masiyiwa nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là hành động đẹp, song các nước châu Phi không nên dựa vào việc chia sẻ này, mà thay vào đó đặt mua vaccine từ các nhà sản xuất. Đặc phái viên AU tại WHO chỉ rõ các hãng sản xuất vaccine lớn có trách nhiệm về đạo đức trong việc đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng để chấm dứt đại dịch, song những công ty này lại không trao cho các nước chây Phi quyền tiếp vaccine hợp lý.
Mới đây, AU đã thành lập Nhóm đặc trách mua vaccine phòng COVID-19 châu Phi (AVAT) để triển khai mua vaccine cho các nước thành viên trong một khuôn khổ song song với cơ chế COVAX. Ngoài ra, ông Masiyiwa cũng cho biết châu Phi đang xây dựng năng lực sản xuất riêng đồng thời kêu gọi việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.
Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rõ chỉ có 2% lượng vaccine ngừa COVID-19 đã tiêm trên toàn cầu được sử dụng tại châu Phi, dẫn đến hậu quả là chỉ có 2 quốc gia tại lục địa này đạt được chỉ tiêu của WHO về hỗ trợ tất cả nước tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay.
Số liệu do người đứng đầu WHO công bố đồng nghĩa với việc trong số 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, mới chỉ có 114 triệu liều được sử dụng tại châu Phi, nơi có tới 1,3 tỷ người.
Theo Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), mặc dù số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 tại các nước châu Phi đang tăng mạnh, nhiều hãng dược phẩm lớn đã ưu tiên bán hơn 90% số vaccine của mình cho các nước giàu, với mức giá cao hơn 24 lần so với giá thực tế.
Trước đó, WHO đã đặt ra mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2021 sẽ có 40% dân số tại từng nước trên thế giới được tiêm vaccine đủ liều và đến giữa năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, với việc phân bổ vaccine hiện nay, châu Phi khó có thể đạt được mục tiêu này. Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, cho biết chưa tới 3,5% số người trong diện tiêm chủng tại châu lục này đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Theo thống kê của AFP, chỉ có 9 liều vaccine được tiêm trên mỗi 100 người tại châu Phi. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 118 liều trên 100 người tại Mỹ, hay 104 liều trên mỗi 100 người tại châu Âu. Châu Á, Mỹ Latinh và Caribe và Trung Đông lần lượt có 85, 84 và 54 liều trên mỗi 100 người dân.
Trong nỗ lực tự chủ về nguồn vaccine, giới chức Ai Cập đang tiến hành đàm phán với Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ để sản xuất vaccine Moderna tại Ai Cập. Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ông Khaled Mujahid, Trợ lý Bộ trưởng Y tế Ai Cập đồng thời là người phát ngôn chính thức của bộ này, cho biết các quan chức Ai Cập đã có cuộc họp với công ty Moderna nhằm đảm bảo Ai Cập có các nguồn vaccine khác nhau để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Ông Mujahid nói thêm hai bên đã thảo luận cách thức sản xuất vaccine Moderna tại Ai Cập.
Theo ông Mujahid, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed muốn bố trí một dây chuyền sản xuất tại các nhà máy của Công ty Vacsera để sản xuất vaccine Moderna ở trong nước.
Các đại diện của Moderna xác nhận rằng công ty này sẵn sàng cung cấp các lô vaccine Moderna mới cho Ai Cập cũng như cung cấp cho Cairo các thông tin cập nhật về kế hoạch phát triển vaccine Moderna.
Ai Cập cũng dự định sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine của Sinovac mỗi năm, qua đó trở thành "nhà sản xuất vaccine lớn nhất ở châu Phi và Trung Đông". Bộ trưởng Y tế Hala Zayed cho biết theo thỏa thuận đã ký với công ty Sinovac của Trung Quốc, hai nhà máy ở thủ đô Cairo sẽ chịu tránh nhiệm sản xuất loại vaccine này.
Hơn 200 triệu liều vaccine của Sinovac sẽ được sản xuất mỗi năm tại một trong hai nhà máy nói trên, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Bà Zayed nói thêm 3 triệu liều/ngày (tương đương khoảng 1 tỷ liều/năm) sẽ được sản xuất tại nhà máy thứ hai, qua đó cho phép Ai Cập xuất khẩu vaccine sang các nước châu Phi.