Cái bắt tay tình thế giữa Mỹ và Iran

Tổ chức vũ trang cực đoan Iraq có tên gọi "Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Levant” (ISIL) đã thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng đe dọa Baghdad, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Sau khi Iraq đề nghị cần sự hỗ trợ của các nước trong khu vực và Mỹ, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có thể có một cái bắt tay giữa hai đối thủ truyền kiếp Mỹ và Iran và nếu có, liệu cái sự xích lại gần nhau ấy có thực tồn tại lâu dài hay chỉ mang tính tình thế?

Iraq cầu viện bên ngoài

Được sự hỗ trợ của các chiến binh dày dạn từ Syria và các cộng đồng "cùng chung chí hướng" ở miền Bắc và Tây Iraq, quân nổi dậy ISIL gồm các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni đã nhanh chóng chiếm đóng phần lớn Mosul, thành phố quan trọng nhất ở miền Bắc Iraq; Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein. Giao tranh khốc liệt cũng diễn ra ở Samarra, nơi có ngôi đền linh thiêng của dòng Hồi giáo Shi'ite. Do đó, không có gì bất ngờ nếu trong vài tuần tới, với đà này, quân nổi dậy sẽ tiến vào Baghdad.

Binh sĩ Iraq chống phiến quân ISIL tại Taza Khormato, cách thành phố Kirkuk khoảng 20 km ngày 23/6. AFP-TTXVN


Nguyên nhân khiến Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực chính là sự bất mãn sâu sắc của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni với các chính sách của chính quyền Thủ tướng Nouri al-Maliki, một tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite, là tình trạng chia rẽ bè phái trong nội bộ chính quyền và vùng miền, là sự thiếu kiểm soát của chính quyền trung ương đối với các địa phương. Tóm lại, Iraq thiếu một nền tảng vững chắc để xây dựng nhà nước - đó là sự thống nhất và đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư, giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo.

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, Thủ tướng al-Maliki không có quá nhiều lựa chọn và buộc phải cầu viện bên ngoài. Bên ngoài ở đây được hiểu là các cường quốc trong khu vực, trong đó có Iran, nơi chính quyền cùng hệ tư tưởng Shi’ite hay ngay cả Syria - nước đang trong năm thứ ba nội chiến, và Mỹ - quốc gia được coi là “cái ô an ninh” của Baghdad sau khi tiến hành cuộc chinh phạt cách đây 11 năm, lật đổ chế độ của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Các nguồn tin không chính thức nói rằng Iran đã cử 2.000 quân tinh nhuệ thâm nhập vào Iraq, trong đó có 1.500 quân đến tỉnh Diyala phía đông và 500 người còn lại vào phía tây. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi khả năng và trước mắt cam kết cử các cố vấn quân sự tới quốc gia Vùng Vịnh này sau khi nhận được lời đảm bảo của Baghdad về quyền miễn trừ cho các quân nhân Mỹ tại đây.

Thực tế, đây không phải là một sự giúp đỡ vô tư từ Mỹ và Iran. Đơn giản vì hai nước đều có những lợi ích của mình nếu chính quyền Shi’ite ở Iraq đánh bại quân nổi dậy và trụ vững qua giai đoạn thử lửa này.

Với Washington, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đã bước vào giai đoạn nửa cuối. Chính quyền Obama đang cố gắng giảm bớt những sai lầm mà nước này đã tiến hành cuộc chiến ở Iraq. Iran lần này chủ động đưa quân sang giúp Iraq đối phó với các nhóm vũ trang cực đoan dường như đã "gãi đúng chỗ ngứa" của Mỹ, trong khi ông Obama luôn nhấn mạnh phương châm ngoại giao "đa phương hơn đơn phương" và "ngoại giao hơn là can thiệp quân sự".

Quyết định gây chiến của Mỹ cách đây 11 năm đã tạo ra sự hỗn loạn ở Iraq ngày nay, và đòi hỏi nước này phải giải quyết. Nếu nói Mỹ phát động cuộc chiến Iraq là một sai lầm nghiêm trọng, việc rút quân khỏi Iraq để mặc tình hình ở đây lại là một sai lầm để che đậy sai lầm trước. Và bây giờ là lúc Washington phải sửa chữa các sai lầm của mình để vớt vát phần nào hình ảnh của một siêu cường. Thêm vào đó, không thể bỏ qua một thực tế là sau khi chiếm đóng Iraq, các tập đoàn dầu mỏ của Mỹ đã rót không ít tiền của vào đất nước và Washington phải có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích của mình tại quốc gia Vùng Vịnh này.

Xét từ góc độ của Iran, việc chủ động giúp đỡ Iraq bình ổn tình hình lần này về mặt động cơ có thể gọi là "một mũi tên trúng nhiều đích". Thứ nhất, việc Iran chủ động ra tay giúp đỡ cựu thù để chống lại các tổ chức vũ trang cực đoan, duy trì tình trạng hòa bình trong nước, bất luận nhìn từ góc độ nhân đạo hay trách nhiệm nước lớn trong khu vực, đều có thể nâng cao trách nhiệm đạo đức cũng như thay đổi hình ảnh của mình đối với cộng đồng quốc tế. Thứ hai, việc lực lượng ISIL ở miền Bắc Iraq lớn mạnh cũng có thể là mối đe dọa đối với an ninh biên giới cũng như ổn định chính trị bên trong Iran, nên việc Teheran chủ động đưa quân sang giúp đỡ Iraq vừa có lợi cho ổn định trong nước của mình cũng như giành được lợi thế về mặt an ninh địa chính trị. Thứ ba, quan trọng hơn là Iran mượn việc làm này để tiếp tục chìa "cành ô liu" cho Mỹ và châu Âu, hóa giải áp lực cấm vận trong một thời gian dài mà các nước phương Tây tiến hành đối với mình do vấn đề hạt nhân.

Mỹ-Iran bắt tay tình thế

Xem ra, trong mối quan hệ nhiều thăng trầm kéo dài hàng thập kỷ qua, giờ đây Mỹ và Iran đang có một điểm chung hiếm hoi và đây có thể tạm coi là cơ hội để hai bên xích lại với nhau. Tuy nhiên, những trở ngại và thách thức mà hai bên gặp phải cũng không phải là ít.

Thứ nhất, trong chính sách Trung Đông của Mỹ, dòng chủ lưu trong chính quyền của Tổng thống Obama luôn coi trọng lợi ích thân Israel và đó là thách thức lớn nhất cho việc Mỹ-Iran xích lại gần nhau. Thứ hai, hợp tác với Iran cũng sẽ khiến cho các đồng minh theo dòng Sunni của Mỹ trong khu vực tức giận. Saudi Arabia vốn đã không hài lòng với chính sách ngoại giao hạt nhân của Mỹ với Tehran và sẽ coi nỗ lực chung giữa Mỹ và Iran nhằm cứu ông Maliki là một bằng chứng nữa của sự phản bội.

Ngoài ra, Washington và Tehran cũng có thể có những quan điểm khác nhau về tương lai chính trị của Iraq. Hồi tuần trước, ông Obama tuyên bố rằng cách thức duy nhất để đánh bại phiến quân dòng Sunni và duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Iraq là thành lập một chính phủ mới ở Baghdad bao gồm nhiều thành viên người Sunni và Kurk hơn. Tuy nhiên, cùng là chính quyền Shi’ite, Tehran không muốn một Baghdad Shi’ite bị lai tạp. Thêm vào đó, không phải toàn bộ chính quyền Iraq đều chào đón sự giúp đỡ của Iran.

Vì thế, giới chuyên gia nhận định nếu có một cái bắt tay giữa Mỹ và Iran trong “thương vụ” Iraq, đây sẽ chỉ là một cái tay khá khiên cưỡng, một cái bắt tay mà tình thế buộc phải thế!


Phương Hồ


Iraq phản công dữ dội phiến quân
Iraq phản công dữ dội phiến quân

Trong lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nỗ lực thực hiện sứ mệnh ngoại giao gian khó của mình, Iraq tiếp tục trải qua một ngày chìm trong chiến sự ác liệt giữa lực lượng chính phủ và phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN