Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, hiện tổng số ca bệnh liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2" ở Campuchia đã tăng lên 137 trường hợp (trong đó có 4 người Việt Nam). Tính đến sáng 24/2, Campuchia đã có tổng cộng 633 ca mắc COVID-19, trong đó 476 người bình phục và không có ca tử vong.
Riêng tại thủ đô Phnom Penh, đã có 47 địa điểm bị phong tỏa do liên quan tới “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, trong khi chính quyền tỉnh Preah Sihanouk đã cho đóng cửa 4 khách sạn tại thành phố Sihanoukville cũng do liên quan tới sự cố này. Thông báo từ cơ quan chức năng Campuchia cho biết có 2 du khách Trung Quốc (đều dương tính với virus SARS-CoV-2) có lưu trú và qua lại 4 khách sạn trên.
Ngày 20/2 vừa qua, các cơ quan chức năng Campuchia thông báo phát hiện 32 ca mắc COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic. Đây là đợt bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng thứ ba tại Campuchia. Báo chí Campuchia cho biết đợt lây nhiễm này có liên quan tới một số trường hợp đang cách ly tại khách sạn Sokha nhưng cố tình trốn ra ngoài và lưu trú trong một loạt chung cư tại Phnom Penh.
Đánh giá về tình hình bệnh dịch hiện nay tại Campuchia, Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều bày tỏ quan ngại về các ca lây nhiễm sau sự cố ngày 20/2. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 này khác hẳn vụ lây nhiễm cộng đồng hồi tháng 11/2020 bởi tốc độ nhanh hơn và phạm vi lớn hơn. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân hết sức thận trọng vì không thể biết virus hiện diện ở đâu và có thể bị lây nhiễm ở bất cứ địa điểm nào.
Đại diện WHO tại Campuchia, Tiến sỹ Li Ailan cảnh báo Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn. Bà Li Ailan kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế và xã hội Campuchia. Tiến sỹ Li Ailan cho biết nếu có quá nhiều ca lây nhiễm, hệ thống chăm sóc y tế Campuchia có thể bị quá tải.