Ông Chan Yutha, người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cho biết từ ngày 26-27/4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40-42 độ C, đặc biệt là ở vùng cao nguyên phía Bắc và vùng trung du Tây Bắc. Trong số này, tỉnh Tây Bắc Oddar Meanchey là địa phương ghi nhận nền nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng với nhiệt độ có thể lên đến 42 độ C, trong khi nhiệt độ ở thủ đô Phnom Penh lên tới 40 độ C.
Theo người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, thời tiết nắng nóng không chỉ xuất hiện ở Campuchia, mà được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả châu Âu, nhưng châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tại Campuchia, hiện tượng nắng nóng và nhiệt độ thời tiết tăng cao tương đương các khu vực khác, ở mức cao nhất từ 40-42 độ C trong khoảng thời gian từ 12h00 đến 15h00 trong ngày. Tuy nhiên, đợt cao điểm nắng nóng lần này sẽ giảm dần vào cuối tháng 4 và tháng 5, thời điểm vào cuối mùa khô, thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa.
Ông Chan Yutha cho biết thêm, trong những năm qua, nhiệt độ Trái Đất đã tăng bình quân từ 0,3-0,5 độ C. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ đã tăng vọt lên 1,37 độ C, mức rất cao so với mức tăng trung bình hàng năm.
Liên quan hiện tượng nóng lên do biến đổi khí hậu, tại phiên họp nội các hôm 26/4, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn trong mùa khô; đồng thời yêu cầu các tổ công tác hỗ trợ cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm vấn đề nguồn nước, đảm bảo nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật, cũng như nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Manet cũng yêu cầu các cơ quan bộ, ngành liên quan kiểm tra năng lực cung cấp điện, chuẩn bị cho tình huống thiếu nguồn nước cung cấp cho thủy điện, cũng như hoạt động cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt...