Người tị nạn chờ đợi tại thị trấn biên giới Idomeni, miền bắc Hy Lạp để được làm thủ tục nhập cảnh vào Macedonia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông điệp mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Tị nạn thế giới 20/6, trong bối cảnh vấn đề người tị nạn và nhập cư đang trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt ở cả Mỹ lẫn châu Âu, một lần nữa cho thấy đây không chỉ là thách thức của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Số liệu mới nhất của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho thấy thế giới đã chứng kiến con số kỷ lục ,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2017, tương đương với dân số Thái Lan. Những người tị nạn để chạy trốn xung đột và chiến tranh lên tới 25,4 triệu người, tăng gần 3 triệu người so với năm 2016. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong vòng 1 năm. Điều này phản ánh thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm khi các cuộc xung đột gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Báo cáo của UNHCR cũng chỉ rõ khoảng 70% số người tị nạn là từ 10 quốc gia đang xảy ra chiến tranh và xung đột như Syria, Afghanistan, Nam Sudan... Theo đó, Syria được ghi nhận là nơi có nhiều người phải tha hương nhất. Tính đến cuối năm ngoái, cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Syria đã buộc hơn 6,3 triệu người dân quốc gia Trung Đông này phải lánh nạn ra nước ngoài, chiếm gần 1/3 tổng số người tị nạn toàn cầu.
Nước có số người tị nạn tăng nhiều nhất trong năm 2017 là quốc gia trẻ nhất thế giới Nam Sudan, vốn rơi vào vòng xoáy xung đột trong nhiều năm qua, từ 1,4 triệu người ghi nhận vào đầu năm lên 2,4 triệu người vào cuối năm 2017. Số người phải tha hương mới cũng tăng lên, với 16,2 triệu người trong năm 2017.
Đây là những con số đáng báo động, với số người tị nạn không giảm mà ngày càng tăng lên, bất chấp hành trình tị nạn luôn chứa đựng nhiều rủi ro và nguy hiểm. Mỗi năm, hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng trên hành trình tìm đến "miền đất hứa", chủ yếu là do chết đuối và điều kiện di chuyển quá khắc nghiệt. Riêng trong năm 2017, hơn 3.000 người đã thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền hơi tạm bợ để vào châu Âu.
Chưa kể làn sóng di cư và tị nạn đã tạo cơ hội cho những kẻ buôn người lợi dụng mong muốn mưu cầu cuộc sống hạnh phúc của những người vốn bị tổn thương để trục lợi. Trong đó, những đối tượng dễ bị lừa gạt và lạm dụng nhất chính là phụ nữ và trẻ em. Họ bị lạm dụng tình dục và thể xác cũng như bị tra tấn để đòi tiền chuộc, bị giam giữ và bị cưỡng bức lao động…
Đối với các nước tiếp nhận tị nạn, vấn đề cũng khó khăn không kém. Chính các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu hiện nay. Ước tính, kể từ năm 2015 đến nay, bất chấp những nguy hiểm trên đường đi hay những rào cản của các nước họ muốn đến, số người tị nạn từ khu vực bất ổn trên đến châu Âu đã vượt quá một triệu người, chủ yếu là vượt Địa Trung Hải để đến Italy và Hy Lạp, cửa ngõ của người di cư để đến các nước Liên minh châu Âu (EU) khác.
Vấn đề an ninh, sắc tộc hay lợi ích kinh tế đã khiến các nước châu Âu bất đồng sâu sắc trong việc giải quyết vấn nạn này. Chính sách nhập cư cũng khiến nội bộ liên minh cầm quyền tại Đức, nền kinh tế đầu tàu EU, bất hòa và điều này đang đe dọa phá vỡ đại liên minh bao gồm liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Thậm chí, khủng hoảng di cư còn được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy cử tri Anh ủng hộ rời EU, kéo theo nhiều hậu quả kinh tế và chính trị sâu sắc.
Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump, được biết đến là người có chính sách nhập cư rất cứng rắn, đã áp dụng hàng loạt biện pháp, từ xây bức tường biên giới với Mexico, đến cấm người từ hàng loạt quốc gia Hồi giáo nhập cảnh. Tuy nhiên, chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump luôn gây tranh cãi và khiến nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.
Rõ ràng chủ đề tị nạn và nhập cư luôn rất nhạy cảm, và trách nhiệm nhân đạo của các nước tiếp nhận người tị nạn đôi khi ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế và an ninh của chính họ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới làn sóng bài người nhập cư tại một số nước.
Bên cạnh đó, những phần tử có tư tưởng quá khích, cực đoan cũng trà trộn vào dòng người di cư này để gây bất ổn an ninh cho nước đến. Điển hình là vụ người tị nạn tấn công tình dục phụ nữ trong đêm Giao thừa đón Năm mới 2016 tại Đức hay các vụ tấn công khủng bố có yếu tố người tị nạn gây nhiều thương vong tại châu Âu trong những năm qua. Tất cả những điều này có thể cho thấy nguy cơ về một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Bản thân EU, dù đã áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, song thực tế đến thời điểm này "lục địa già" vẫn loay hoay trong "mớ bòng bong" những bất ổn xuất phát từ làn sóng người tị nạn và nhập cư.
Trong khi đó, từng nước thành viên áp đặt các biện pháp mạnh tay như giải tỏa các khu trại tạm bợ của người tị nạn, đóng cửa biên giới, xây hàng rào dọc biên giới... gây ra tình trạng "trống đánh xuôi, khèn thổi ngược" trong nội bộ EU về chính sách đối với người tị nạn. Ngay cả việc EU thành lập Quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ euro cho châu Phi để hỗ trợ “lục địa đen”, cũng chưa đủ để ngăn dòng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Dù mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, song thực trạng tị nạn toàn cầu cho thấy những giải pháp đó dường như chưa thực sự triệt để và hiệu quả. Có lẽ cộng đồng quốc tế cần ưu tiên các giải pháp mang tính gốc rễ của vấn đề, đó là loại bỏ những nguyên nhân đẩy người dân phải tị nạn, như tìm kiếm hòa bình và ổn định lâu dài cho các nước đang có chiến tranh và xung đột, hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội, tạo việc làm...