Hai tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina đáp máy bay sang Canada trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mùa vụ. Nguồn phân bón cho Brazil, một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới, phụ thuộc phần lớn vào lượng potash nhập khẩu từ Nga và Belarus. Potash là nguyên liệu đầu vào chủ chốt cho phân kali. Khi Nga và Belarus bị cấm vận do xung đột ở Ukraine, Brazil tiếp cận nguồn cung potash từ Canada, coi đây là giải pháp thay thể.
Sau cuộc gặp với quan chức chính phủ và lãnh đạo ngành công nghiệp Canada, Bộ trưởng Cristina thông báo Brazil đã có được bảo đảm từ phía Canada về tăng sản lượng cung ứng potash. Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, Canada cung cấp 36% lượng potash nhập khẩu của Brazil, so với mức 50% từ Nga và Belarus.
Việc nhiều nước ngày một quan tâm đến potash và nhiều loại hàng hóa khác của Canada cho thấy ảnh hưởng của khủng hoảng Ukraine lên giao dịch hàng hóa quốc tế cũng như xu thế tái định hình dòng chảy thương mại toàn cầu. Các nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Brazil đối với mặt hàng dầu thô, Nam phi với Platin và Argentina với sản phẩm lúa mỳ.
Canada, nước có điều kiện khí hậu và đặc điểm địa lý tương tự Nga, cung cấp nhiều chủng loại hàng hóa là thế mạnh của Nga. Hai nước đều thuộc nhóm những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về dầu thô, urani, nickel và potash. Cùng với Ukraine, Nga và Canada cũng là những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Những nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang Canada, coi đây là nguồn cung thay thế cho Nga đối với mặt hàng năng lượng, thực phẩm, khoáng sản…
Ngay cả những nước có khả năng đáp ứng mùa vụ trong nước ổn định cũng kêu gọi Canada tăng lượng hàng xuất khẩu nhằm thiết lập kho dự trữ, coi đây là bước đi phòng vệ trước nguy cơ xuất hiện đứt gãy hơn nữa về địa chính trị hay khí hậu. “Cả thế giới đáng chuyển hướng sang Canada” - Murad Al-Katib, Giám đốc điều hành AGT Food & Ingredients, công ty chuyên thu mua ngũ cốc và đậu hạt các loại từ nông trại ở Canada và sau đó xuất đi 120 quốc gia trên thế giới.
Ken Seitz, Giám đốc điều hành tập đoàn Nutrien, có cuộc gặp trực tiếp với bà Cristina khi Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil thăm Canada. Ngay sau đó, Nutrien phát đi thông điệp tăng 10% sản lượng potash trong năm so với mức 15 triệu tấn của năm 2021. Nutrien là nhà sản xuất potash lớn nhất thế giới.
Argentina cũng là nước đang nhận được quan tâm ngày một lớn. Gustavo Idígoras, người đứng đầu hiệp hội đại diện cho các nhà chế biến, xuất khẩu ngũ cốc của Argentina, cho biết ông đã nhận được thư ngỏ từ các nhà quản lý siêu thị tại Pháp và Italy, đề nghị tìm kiếm nguồn cung dầu hướng dương. Còn giới chức Chính phủ Ai Cập, Liban mong muốn có được các hợp đồng cung ứng dài hạn lúa mỳ và ngô từ Argentina. Khách hàng từ Ấn Độ kỳ vọng Argentina có thể giúp bù đắp lượng đậu nành, dầu hướng dương bị thiếu hụt từ đứt gãy nguồn cung tại Ukraine.
Nhưng những “lựa chọn thay thế” như Canada, Argentina cũng phải đối mặt với câu hỏi lớn về khả năng cung ứng hàng hóa trước nhu cầu gia tăng đột biến. Những nhà hoạt động môi trường ở Canada đã ép buộc chính phủ nước này và Mỹ dừng kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ Canada xuất sang Mỹ. Cùng lúc, hạ tầng đường sắt, cảng biển ở Canada đã quá tải, không có khả năng tiếp nhận, vận chuyển lượng hàng hóa gia tăng lớn.
Canada là nhà xuất khẩu lúa mỳ và dầu hạt cải lớn. Nhưng các hợp đồng thu hoạch trở nên khan hiếm sau khi nước này trải qua đợt khô hạn nặng trong năm 2021. Giới chuyên gia trong ngành cho biết nguồn cung có thể cải thiện nếu các nông trại có được mức sản lượng như bình thường trong năm nay. Ngoài ra, ông Al-Katib, còn cho biết hiện rất khó tìm được các container rỗng chuyên chở ngũ cốc, bởi phần lớn vỏ container được chuyển tới Trung Quốc để nhập khẩu hàng hóa sau đứt gãy chuỗi cung vì đại dịch COVID-19.
Dù có khó khăn nhất định, nhưng Canada và những nhà sản xuất hàng hóa ở nước này vẫn đang là người nắm ưu thế. Giá dầu, potash tăng cao đem lại mức lợi nhuận lớn, giúp nguồn thu ngân sách của chính quyền cải thiện tích cực. Như tỉnh Alberta, khu vực nguồn thu dựa chủ yếu vào ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt, dự kiến trong năm nay đạt thặng dư ngân sách, hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trong 8 năm trở lại đây.
Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson tiết lộ quan chức một số nước đã tiếp cận ông trong khuôn khổ các cuộc gặp của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được tổ chức tại Paris hồi tuần trước. Họ yêu cầu được nhập khẩu các mặt hàng potash, urani, sản phẩm nông nghiệp từ Canada thay thế cho nguồn cung từ Nga.
Canada là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Các nhà khai thác ở Alberta, nơi tập trung phần lớn trữ lượng của Canada, xuất khẩu phần lớn lượng dầu này sang các nhà máy lọc dầu ở Mỹ qua các tuyến đường ống hoặc tàu hỏa. Tuần trước, Bộ trưởng Wilkinson khẳng định Canada có thể tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, khí đốt thêm 300.000 thùng/ngày, hỗ trợ nguồn cung toàn cầu vốn rơi vào tình trạng thiếu hụt trong thời gian qua.
Cameco, nhà cung ứng urani lớn nhất Canada, cũng dự kiến tăng sản lượng khai thác tại các mỏ ở Canada và Mỹ. Riêng mỏ tại tỉnh miền bắc Saskatchewan, sản lượng quặng dự kiến sẽ tăng thêm 5.000 tấn. Công ty cũng cho biết có thể nâng 45% công suất nếu giá urani đứng ở mức hợp lý.