Trong bức thư gửi Tổng thống Joe Biden, 2 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và 2 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng Moskva từ lâu đã gộp cả đội ngũ nhân viên địa phương khi tính toán số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ được phép làm việc tại Nga. Do đó, hiện có khoảng 400 nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc ở Mỹ, trong khi chỉ có khoảng 100 nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc ở Nga.
Bốn thượng nghị sĩ trên - trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez và thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Marco Rubio - khẳng định không thể chấp nhận tình trạng bất cân xứng về đại diện ngoại giao hiện nay và Nga phải cấp đủ thị thực để đạt được sự cân bằng giữa số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ hoạt động tại Nga và số lượng nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Mỹ. Các thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng "Nếu hành động như vậy không được thực hiện, chúng tôi đề nghị Ngài bắt đầu trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga để cân bằng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ”.
Phản ứng trước động thái trên, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho rằng 4 thượng nghị sĩ Mỹ rõ ràng muốn tất cả các phái bộ của Mỹ tại Nga phải đóng cửa.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời quan chức trên nhấn mạnh: “Những người kêu gọi thực hiện một biện pháp như vậy rõ ràng muốn tất cả các phái bộ của Mỹ tại Nga phải đóng cửa. Họ nên hiểu rằng trách nhiệm đối với hành động này sẽ nằm ở phía họ”.
Hồi tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã triệu Đại sứ Mỹ John Sullivan và đưa ra các bằng chứng, phản đối Washington can thiệp cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện Nga). Điều này làm căng thẳng hơn nữa quan hệ song phương vốn đã ở mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.