Căng thẳng ở miền đông Ukraine

Ukraine một lần nữa lại chìm trong bạo lực sau làn sóng biểu tình đẫm máu ở thủ đô Kiev dẫn tới sự kiện lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych ngày 22/2. Chỉ có điều, lần này người biểu tình không phải là lực lượng thân phương Tây mà là những người ủng hộ Nga ở khu vực miền đông Ukraine.


Đòi trưng cầu ý dân giống Crimea


Ngày 6/4, tại nhiều thành phố miền đông như Donetsk, Lugansk và Kharkov, người biểu tình hô vang tên nước Nga rồi xông qua hàng rào cảnh sát, ập vào các tòa nhà là trụ sở của chính quyền. Khu vực này cũng muốn tổ chức trưng cầu ý dân để gia nhập Liên bang Nga như Crimea trong bối cảnh sắp đến ngày bầu cử tổng thống Ukraine 25/5. Cả hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu đều có tư tưởng muốn tăng cường quan hệ với châu Âu và phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga.

 

Người biểu tình ủng hộ Nga đứng bên hàng rào chướng ngại tại trụ sở Cơ quan An ninh tại Donetsk ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Cuộc biểu tình bạo lực nhất trong ngày 6/4 diễn ra ở quảng trường trung tâm thành phố Donetsk. Gần 100 người biểu tình đã tách ra khỏi đám đông 2.000 người và lao vào chiếm giữ tòa nhà chính quyền rồi cắm cờ Nga. Họ còn ném pháo vào 200 cảnh sát chống bạo động và cướp khiên của họ. Nhiều người hô to “Hãy cho chúng tôi trưng cầu ý dân” hay “Lực lượng NATO hãy rút về”.


Ngày 7/4, các đại biểu Hội đồng tỉnh Donetsk cùng những người ủng hộ liên bang hóa Ukraine tập trung biểu tình trước trụ sở chính quyền thành phố đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Donetsk. Theo Itar-Tass, bản tuyên bố về “Sự độc lập nhà nước của nước CHND Donetsk” đã được tuyên đọc tại cuộc họp của Hội đồng tỉnh. Những người ủng hộ bước đi này tuyên bố bản tuyên ngôn sẽ là cơ sở để thành lập nước CHND Donetsk “theo đúng luật pháp quốc tế và trên cơ sở bình đẳng và các bên cùng có lợi”. Các đại biểu cũng quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề Donetsk gia nhập Nga trước ngày 11/5 tới.


Tại thành phố Lugansk, người biểu tình đã chiếm giữ văn phòng khu vực của Hội đồng An ninh Ukraine. Kho chứa vũ khí của văn phòng này cũng bị chiếm giữ. Cảnh sát Lugansk đang trong tình trạng báo động. Cảnh sát giao thông đã đóng mọi tuyến đường vào thành phố. Trước đó, người biểu tình ở Lugansk cũng đã chiếm văn phòng khu vực của Cơ quan An ninh Ukraine, đòi thả 15 người bị bắt giữ. Cảnh sát buộc phải xịt hơi cay để đối phó khiến 9 người biểu tình bị thương.


Thành phố Kharkov cũng chứng kiến những cuộc biểu tình tương tự khi hàng chục người tìm cách ập vào trụ sở chính quyền bất chấp hàng rào cảnh sát. Họ đã đưa cờ Nga ra ngoài cửa sổ trong khi đám đông 2.000 người ở phía dưới hô vang “Cảnh sát đứng về phía người dân”. Cảnh sát Kharkov đã không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình và lùi ra xa tòa nhà khoảng 50 m.


Ukraine lo đối phó khủng hoảng


Các cuộc biểu tình ở miền đông đã khiến lãnh đạo Ukraine tạm quyền Alexandr Turchinov phải hủy chuyến thăm Litva và triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia trong ngày 7/4. Ông Turchinov tuyên bố thành lập Ban Chống khủng hoảng và sẽ đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn chia tách lãnh thổ.


Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cũng tuyên bố sẽ kiểm soát tình hình theo cách không đổ máu nhưng cảnh báo sẽ cứng rắn với những người tấn công tòa nhà chính phủ và cảnh sát.


Bất ổn ở khu vực miền đông diễn ra trong khi một lượng lớn binh sĩ Nga đang tập trận gần biên giới với Ukraine khiến phương Tây lo ngại.


Nga đang vận động để Ukraine trở thành một nhà nước liên bang, theo đó cho phép các khu vực miền đông có quyền độc lập nhiều hơn, lấy tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thứ hai và có thể bác bỏ một số quyết định từ chính quyền Kiev. Moskva coi đây là sự thay đổi cần thiết vì cộng đồng người Nga thiểu số ở Ukraine bị đe dọa từ lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những người đã hình thành nên chính phủ lâm thời hiện nay.


Tuy nhiên đề xuất liên bang Ukraine của Nga bị Mỹ và đồng minh châu Âu coi là cái cớ để chia tách Ukraine. Giới chức lãnh đạo lâm thời Ukraine cũng coi đây là ý tưởng nguy hiểm nhằm hủy hoại Ukraine.


Trong một phản ứng đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) và Đức đã phát biểu bày tỏ mối quan ngại trước diễn biến bất ổn tại ba tỉnh miền đông Ukraine. Người phát ngôn của đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và chính sách an ninh, bà Maya Kocijansic, cho biết EU đang theo dõi sát sao và rất lo ngại trước diễn biến tình hình. Bà nhấn mạnh, tất cả các yêu cầu chính trị tại Ukraine đều phải được thể hiện bằng biện pháp phi bạo lực và tuân thủ tiêu chuẩn dân chủ và luật pháp. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Nga khẩn trương tham gia nhóm tiếp xúc quốc tế nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN