Theo đài RT ngày 5/6, ông Di Maio nhận định: “Chiến tranh Thế giới về Bánh mì đang hình thành và chúng ta phải ngăn chặn nó”.
Ông Di Maio kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng bàn bạc và đạt thỏa thuận hòa bình càng sớm càng tốt, trong đó có một thỏa thuận cụ thể về lúa mì.
Ông nói: “Chúng ta không được quên rằng có 30 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Những gì chúng ta đang làm là để đảm bảo rằng Nga bỏ cấm xuất khẩu ngũ cốc tại các cảng của Ukraine, bởi vì vào thời điểm này, chúng ta có nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh mới ở châu Phi”.
Trước đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã yêu cầu Tổng thống Putin cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ cả Nga và những vùng của Ukraine nằm trong vòng kiểm soát của Nga.
Ngày 3/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với kênh truyền hình Nga rằng các chuyến hàng chuyển lúa mì có thể được thực hiện qua Belarus. Ông Putin nói: “Nếu ai đó muốn giải quyết vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thì cách dễ nhất là thông qua Belarus. Không ai ngăn cản điều đó. Nhưng để làm điều này, phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Belarus”.
Ông Putin cũng bác bỏ thông tin rằng lúa mì của Ukraine bị tàu chiến Nga chặn lại. Ông Putin nhấn mạnh rằng Ukraine đã rải mìn khắp các bến cảng của mình, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho các tàu tìm cách tiếp cận các cảng của Ukraine.
Tuần trước, Italy cho biết họ sẽ giúp phá mìn các cơ sở nhằm tạo ra các hành lang biển để vận chuyển lúa mì, bên cạnh hành lang biển nhân đạo hiện có đã được Nga mở về phía tây nam lãnh hải của Ukraine vào tháng trước.
Trong khi đó, Ukraine đã vận chuyển ngũ cốc qua cảng Constanta của Romania và qua đường bộ tới châu Âu - một tuyến đường kém hiệu quả hơn nhiều vì không thể vận chuyển nhiều ngũ cốc cùng lúc.
Khi các nước châu Âu có thể trả nhiều tiền hơn để mua ngũ cốc thì sẽ có ít ngũ cốc tới được Bắc Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga vì điều này khiến họ khó mua thực phẩm qua hệ thống SWIFT.
Ông Di Maio đã kêu gọi Tổng thống Putin ký một thỏa thuận ngừng bắn cho phép Italy sơ tán dân thường ở miền đông Ukraine, mặc dù không rõ liệu điều này có phải là mở thêm hành lang nhân đạo ngoài các hành lang nhân đạo hiện có do Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng thiết lập hay không.
Ông Di Maio nói thêm rằng Italy sẽ họp vào ngày 7/6 với các nước Địa Trung Hải khác cũng như Đức để tìm cách giải phóng lượng lúa mì tồn đọng ở Ukraine. Theo ông Di Maio, cuộc họp diễn ra tại thời điểm lịch sử mà các hộ gia đình không thể chịu được tình trạng gia tăng chi phí năng lượng, ngành công nghiệp không thể chịu được tình trạng gia tăng chi phí nguyên vật liệu, và phần còn lại của thế giới không thể chịu được tình trạng gia tăng chi phí của lúa mì và bánh mì.
Ukraine sản xuất 15% ngô và một nửa lượng dầu hướng dương trên thị trường xuất khẩu thế giới và gần 10% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, khiến nước này trở thành một mắt xích chính trong chuỗi lương thực toàn cầu.