Đây là kết quả nghiên cứu mới công bố trên ấn bản trực tuyến của Neurology, tạp chí y khoa của Viện Thần kinh học Mỹ.
Để có được kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã theo dõi và đánh giá thời lượng, cũng như chất lượng giấc ngủ của một nhóm hơn 500 người. Những người này được yêu cầu đeo máy theo dõi hoạt động trên cổ tay trong 3 ngày liên tiếp, chia làm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng một năm và ngủ trung bình 6 giờ mỗi ngày. Tổng cộng 526 người, tuổi trung bình là 40, tham gia nghiên cứu, được theo dõi trong 11 năm. Giải thích về nền tảng nghiên cứu, tác giả Yue Leng, từ Đại học California (San Francisco) cho biết nghiên cứu được thực hiện xuất phát từ lý thuyết rằng các dấu hiệu của bệnh Alzheimer bắt đầu hình thành trong não vài thập kỷ trước khi phát bệnh. Do đó, việc nhận biết sớm mối liên hệ giữa giấc ngủ và nhận thức đóng vai trò rất quan trọng giúp hiểu rõ hơn rằng khi giấc ngủ có vấn đề cũng chính là yếu tố nguy cơ dẫn tới căn bệnh này.
Theo tác giả Yue Leng, các kết quả nghiên cứu chỉ ra chất lượng (không phải số lượng) giấc ngủ có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sức khỏe nhận thức ở tuổi trung niên. Theo đó, những người tham gia có nhật ký ghi lại giờ đi ngủ và thời gian thức dậy, hoàn thiện cuộc khảo sát về chất lượng giấc ngủ với thang điểm từ 0 đến 21, điểm càng cao cho thấy chất lượng giấc ngủ kém hơn. Tổng cộng có 239 người, tương đương 46%, có giấc ngủ kém chất lượng với số điểm lớn hơn 5. Những người tham gia cũng phải hoàn thành một loạt bài kiểm tra về trí nhớ và tư duy. Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng thức giấc nhiều lần, lặp đi lặp lại, phần trăm thời gian dành cho việc di chuyển và phần trăm thời gian không di chuyển kéo dài chưa đến 1 phút trong khi ngủ. Sau khi cộng hai tỷ lệ này với nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia có mức độ gián đoạn giấc ngủ trung bình là 19%.
Sau đó, các nhà nghiên cứu chia người tham gia thành 3 nhóm dựa trên điểm số về tình trạng gián đoạn giấc ngủ. Trong số 175 người có giấc ngủ bị gián đoạn nhiều nhất, 44 người có hiệu suất nhận thức kém 10 năm sau, trong khi nhóm 176 người ít bị gián đoạn giấc ngủ nhất chỉ có 10 người bị suy giảm nhận thức tại cùng thời điểm này. Sau khi điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, chủng tộc và trình độ học vấn, kết quả chỉ ra những người có giấc ngủ bị gián đoạn nhiều nhất có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn gấp đôi so với những người có giấc ngủ ít bị gián đoạn nhất.
Tác giả Leng lưu ý cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và khả năng nhận thức ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.