Cảnh giác trước nguy cơ hươu nhiễm Omicron có thể lây bệnh cho người

Các nhà khoa học tại Mỹ đang chú ý đến khả năng liệu loài hươu có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 sang người hay không sau khi một số báo cáo gần đây ghi nhận loại virus này đã xuất hiện phổ biến ở quần thể hươu đuôi trắng tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Hươu đuôi trắng tại Bethesda, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) đã ghi nhận gần 20 con hươu đuôi trắng tại Đảo Staten, thuộc thành phố New York, đã nhiễm biến thể Omicron trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 - 1/2022. Đây là báo cáo đầu tiên ghi nhận việc biến thể Omicron xuất hiện trên động vật hoang dã.

Hôm 7/2, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) cho biết đã điều tra về quá trình lây lan virus ở loài hươu đuôi trắng tại 15 bang của Mỹ. Trong nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở bang Pennsylvania đã xác định virus SARS-CoV-2 tồn tại trong khoảng 1/3 số hươu đuôi trắng được lấy mẫu từ bang Iowa của Mỹ trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Một nhóm nghiên cứu khác cũng đã tìm thấy loại virus này trong 1/3 số hươu mẫu ở bang Ohio từ tháng 1 - 3/2021.

Các nhà khoa học lo ngại rằng hươu có thể trở thành vật chủ chứa virus SARS-CoV-2, ngay cả sau khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu ở người. Trong trường hợp xấu nhất, virus có thể tiến hóa ở hươu để né tránh sự tấn công của kháng thể được sản sinh từ vaccine, sau đó lây sang người dưới dạng một biến thể mới nguy hiểm hơn.

Ông Vaughn Cooper, Giám đốc Trung tâm sinh học và y học tiến hóa tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho rằng kịch bản trên là chưa có tiền lệ và hầu hết người dân Mỹ được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm chủng hoặc quá trình lây nhiễm tự nhiên, điều này khiến một biến thể mới khó có thể vượt qua hệ thống miễn dịch trên cơ thể người.

Đến nay, hươu không phải là loài duy nhất lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã phát hiện loại virus này ở mèo, chó, chồn, chồn, lợn và thỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến hươu đuôi trắng vì một số lý do là loài này rất dễ bị nhiễm bệnh, phổ biến ở Mỹ và sống gần gũi với con người.

Hiện tại, các nhà khoa học chưa khẳng định liệu loài hươu có thể làm phát tán virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sang người hay không, thay vào đó mới xác định loại virus này có khả năng lây lan tương đối mạnh trong quần thể hươu do các loài động vật sống theo đàn thường dễ lây nhiễm cho nhau qua nước bọt hoặc phân.

Theo ông Cooper, hươu chỉ có thể lây nhiễm trực tiếp cho con người nếu con người săn bắn chúng. Ngoài ra, cũng có khả năng hươu lây truyền virus sang người qua một vật chủ trung gian, chẳng hạn như động vật gặm nhấm hoặc vật nuôi trong nhà.

Hươu đuôi trắng là loài hươu phổ biến ở hầu hết các bang của Mỹ. Nước này hiện có tổng số khoảng 30 triệu con. Riêng bang Pennsylvania có khoảng 1,5 triệu con.

Lê Đạt (TTXVN)
Nghiên cứu sâu về cơ chế phản ứng miễn dịch của tế bào bạch cầu đối với virus SARS-CoV-2
Nghiên cứu sâu về cơ chế phản ứng miễn dịch của tế bào bạch cầu đối với virus SARS-CoV-2

Việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ kích hoạt loạt cơ chế bảo vệ trong cơ thể người, được gọi chung là phản ứng miễn dịch thích ứng. Phản ứng miễn dịch thích ứng có thể được chia nhỏ thành đáp ứng miễn dịch dịch thể (dựa trên kháng thể) và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN