Trong thông báo, ông kêu gọi triển khai khẩn cấp phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti, đồng thời bày tỏ quan ngại trước số người thương vong ở nước này vì bạo lực băng đảng. Ông nêu rõ: “Trong bối cảnh hiện tại, chưa có giải pháp thực tế nào để bảo vệ tính mạng. Do đó, tôi kêu gọi hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa”.
Tuyên bố của ông Turk được đưa ra trước thềm cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình ở Haiti. Theo ông Turk, “hệ thống y tế tại Haiti đang trên bờ vực sụp đổ”, khi các bệnh viện không đủ năng lực để điều trị cho những người bị thương. Ông nói: “Các trường học và cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, trẻ em ngày càng bị các băng nhóm lợi dụng. Hoạt động kinh tế bị bóp nghẹt khi các băng nhóm áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại của người dân. Đơn vị cung cấp nước uống lớn nhất Haiti đã ngừng giao hàng, trong khi ít nhất 313.000 người hiện đang phải sơ tán trong nước”.
Trước đó, Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm từ 18h00 ngày hôm trước đến 5h00 ngày hôm sau, sau khi ít nhất 10 người thiệt mạng trong vụ các băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3/3 và phóng thích hàng nghìn tù nhân. Ngày 4/3, Đại sứ quán Mỹ tại Port-au-Prince đã yêu cầu công dân nước này rời khỏi quốc gia vùng Caribe “càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, Đại sứ quán Pháp tại Haiti cũng thông báo tạm dừng các dịch vụ cấp thị thực và hành chính.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, chính quyền Puerto Rico xác nhận Thủ tướng Haiti Ariel Henry đang có mặt tại vùng lãnh thổ này sau khi Cộng hòa Dominicana không cho phép máy bay của ông hạ cánh.
Tờ Le Nouvelliste của Haiti đưa tin Thủ tướng Henry dự định hạ cánh xuống Cộng hòa Dominicana ngày 5/3 và sau đó trở về nước bằng trực thăng, nhưng kế hoạch không thực hiện được do không phận giữa hai nước đã bị đóng.
Giám đốc điều hành Viện Hàng không Dân dụng Dominicana (IDAC) Héctor Porcella cho biết nước này từ chối cho phép máy bay của thủ tướng nước láng giềng hạ cánh do “không có kế hoạch bay”.
Một nguồn tin khác cho hay máy bay của ông Ariel Henry cất cánh từ sân bay Teterboro ở New Jersey (Mỹ) và đã phải bay vòng quanh trên không phận Cộng hòa Dominicana hơn 30 phút mà không được hạ cánh. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Dominicana Carlos Luciano Díaz Morfa tuyên bố đã triển khai lực lượng tại biên giới với Haiti để sẵn sàng ngăn chặn và ứng phó bất kỳ sự cố nào.
Tình trạng bạo lực chưa từng có đang bao trùm Haiti, với sự gia tăng nhanh chóng số vụ đụng độ giữa cảnh sát và các băng nhóm vũ trang, các vụ xả súng ở khu dân cư, số người chết và bị thương từ ngày 29/2.
Trong một phát biểu ngày 6/3, Mỹ đã kêu gọi Thủ tướng Ariel Henry “đẩy nhanh” quá trình chuyển đổi chính trị và tổ chức bầu cử.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Chúng tôi đang hối thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một cơ cấu quản trị toàn diện và được trao quyền. Cơ cấu này sẽ giúp đất nước chuẩn bị cho sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia, nhằm giải quyết tình hình an ninh và mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng”. Theo ông Miller, Mỹ cùng Khối cộng đồng và thị trường chung Caribe (CARICOM) mong muốn ông Henry "nhượng bộ vì lợi ích của người dân Haiti". Ông Miller khẳng định Washington "không kêu gọi hay thúc ép ông Henry từ chức" mà cho rằng Haiti nên có một "hội đồng chuyển tiếp" có tính toàn diện hơn.
Trong khi đó, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - đã một lần nữa nhắc lại "sự cần thiết phải hành động khẩn cấp, bao gồm tài trợ cho sứ mệnh Hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS), để giải quyết các nhu cầu an ninh của người dân Haiti”. Theo ông Dujarric, Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Haiti gạt bỏ những khác biệt và thúc đẩy con đường chung hướng tới khôi phục các thể chế dân chủ.