Tổng thống Julius Maada Bio coi việc cây bông gòn này bị đổ là "mất mát lớn đối với quốc gia". Theo ông Julius Maada Bio, cây bông gòn được những người định cư ban đầu từ thế kỷ 18 coi là biểu tượng của sự tự do. Cây bông gòn cao lớn đứng sừng sững giữa trung tâm thủ đô Freetown, gần bảo tàng quốc gia và Văn phòng Tổng thống.
Giới chức thành phố Freetown cho biết cây bông cao 70m này mang tính biểu tượng rất lớn đối với thành phố, là nơi người dân tổ chức lễ tạ ơn vào tháng 11 hằng năm để cầu nguyện và nhiều sự kiện khác.
Theo truyền thuyết, cây bông gòn đã trở thành một biểu tượng quan trọng từ năm 1792 khi một nhóm nô lệ người Mỹ gốc Phi đã giành được tự do trong Chiến tranh giành độc lập của Mỹ và định cư tại Freetown. Họ đáp xuống bờ biển và đi đến một cái cây khổng lồ ngay phía trên vịnh và tổ chức buổi lễ tạ ơn ở đó để cảm ơn Chúa vì đã giải cứu họ đến một vùng đất tự do.
Hình ảnh cây bông gòn cổ thụ này cũng được in trên các tờ tiền giấy, được ca ngợi trong các bài đồng dao của trẻ em, và Nữ hoàng Anh Elizabeth II khi còn sống đã từng đến địa điểm này vào năm 1961.