Theo giới phân tích và giới ngoại giao, diễn biến trên sẽ khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad càng ngày càng phụ thuộc vào Nga.
Việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 làm nổi bật những rủi ro khi vận chuyển dầu từ Iran đến Syria trong bối cảnh chính phủ của ông Assad tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhiên liệu do liên tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.
Năm nay, giá nhiên liệu ở Syria tăng gấp ba lần. Phần lớn người Syria bị hạn chế chỉ được mua 20 lít dầu/tuần. Khủng hoảng nhiên liệu Syria dần trở nên tồi tệ hơn khi Iran ngừng bán dầu cho quốc gia đồng minh với giá chiết khấu cao. Thay vào đó, Iran đòi hỏi bán với giá thị trường đầy đủ trong khi chính phủ Assad chật vật với cảnh thiếu tiền mặt.
Trước khi xảy ra nội chiến, mỗi ngày Syria sản xuất khoảng 5.000 thùng dầu. Hiện sản lượng của nó chỉ còn 1/10 so với số đó, khi phần lớn lãnh thổ dự trữ năng lượng nằm dưới quyền kiểm soát của các phe nổi dậy người Kurd hoặc phiến quân. “Phần lớn tài nguyên năng lượng và nông nghiệp của Syria nằm trong khu vực dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và liên minh do Mỹ hậu thuẫn”, Charles Lister - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở ở Washington – giải thích.
Theo báo Syria Al Alan, lượng dầu sản xuất của Syria chỉ có thể đáp ứng 24% nhu cầu của người dân. “Nếu không có dầu của Iran, người Syria sẽ phải cầu cứu sang Nga”, một nhà ngoại giao châu Âu dự đoán.
Trước đó, ngày 4/7, lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 do nghi tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Chính quyền Tehran cho rằng việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là "động thái nguy hiểm và gây ra nhiều hậu quả". Phía Iran hối thúc nước Anh thả tàu chở dầu Grace 1 vì “lợi ích của tất cả các nước”. Giới chức Iran khẳng định dầu trên tàu Grace 1 không dành cho chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cảnh báo chính quyền Iran sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả nếu Chính phủ Anh không thả tàu chở dầu của Tehran. “Đây là một trò chơi nguy hiểm”, một quan chức Bộ Ngoại giao Iran đe dọa.
Anh cho biết sẽ thả tàu dầu Grace 1 nếu Tehran cam kết không đưa tàu dầu này tới Syria.
Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này. Khoảng 227 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.