Việc Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thúc đẩy mối quan hệ song phương nhằm đảm bảo ổn định lâu dài trong cuộc hội đàm vừa qua tại Bắc Kinh là một bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao thực dụng, mềm dẻo của ông Moon Jae-in nhằm khôi phục lại mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh đang phát huy tác dụng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 ở Berlin, Đức hồi tháng 7. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Trên thực tế, ngay từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc đã lựa chọn xu hướng xây dựng mối quan hệ dựa trên giao lưu hữu nghị, hợp tác cùng thắng, bởi hai nước có mối ràng buộc mật thiết cùng những lợi ích chung tại một khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn do những vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ hay vũ khí hạt nhân.
Với lợi thế gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, có thời kỳ kim ngạch thương mại lên tới 300 tỷ USD/năm, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Tuy nhiên, mối quan hệ này bất ngờ bị xấu đi nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hye quyết định triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Dù Seoul luôn khẳng định việc triển khai THAAD là nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, song Bắc Kinh lại coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Những đòn trả đũa kinh tế không chính thức của Trung Quốc, như cấm xuất khẩu hay cấm du lịch, gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với cả 2 nước, trong đó ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc bị sụt giảm tới 6.500 tỷ won (khoảng 5,98 tỷ USD). Không những thế, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước có vai trò quan trọng trong khu vực cũng đe dọa làm tổn hại hòa bình ở cả Hàn Quốc và Trung Quốc nói riêng cũng như toàn khu vực nói chung.
Vì vậy, ngay từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in đã không ngừng nỗ lực nhằm tìm ra một sự “khởi đầu mới” trong mối quan hệ với Trung Quốc, vì sự thịnh vượng chung của 2 nước cũng như trên toàn khu vực. Lợi ích kinh tế kết hợp với lợi ích an ninh là động lực và lý do để hai nước đi đến sự đồng thuận về “3 không” (không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, không thực hiện liên minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật), cũng như nhất trí đưa quan hệ song phương “trở lại quỹ đạo bình thường”, mở đường cho cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng, Việt Nam, tiếp đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang sứ mệnh “phá băng” của Tổng thống Moon Jae-in.
Phái đoàn doanh nghiệp và tài chính tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc lần này lên tới 260 người, trong đó có nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn như SK Group, Hyundai Motor, Samsung Electronics,… và Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất gồm 3 nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 2 nước.
Một yếu tố khá quan trọng đưa Hàn Quốc và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đó là theo quan điểm của Seoul, Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một quốc gia láng giềng, có vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử, thương mại gắn bó lâu đời mà còn là một phần của bất kỳ giải pháp ngoại giao nào đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vốn lâu nay được Hàn Quốc theo đuổi.
Tình hình Bán đảo Triều Tiên nhiều tháng nay luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”, thậm chí có lúc cận kề “miệng hố chiến tranh” khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các hành động khiêu khích cũng như đạt thêm các bước tiến mới trong việc phát triển tên lửa và hạt nhân, còn Mỹ không ngừng đe dọa trút “lửa và thịnh nộ”, Hàn Quốc và Trung Quốc - 2 nước “chung vách” với Triều Tiên đều hiểu hậu quả khôn lường, cả đối với Seoul và Bắc Kinh nói riêng cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á nói chung, trong trường hợp xung đột leo thang nghiêm trọng dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Do đó, lâu nay hai nước vẫn kiên trì lập trường phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, chủ trương giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, phản đối việc sử dụng vũ lực cũng như kiên quyết không để xảy ra chiến tranh. Quan điểm này đã một lần nữa được khẳng định lại trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Tập Cận Bình khi hai bên cũng đã nhất trí 4 nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Việc Hàn Quốc và Trung Quốc cùng bắt tay hợp tác tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề này có thể giúp thúc đẩy Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa, mang lại hy vọng về việc củng cố hòa bình trong khu vực Đông Bắc Á.
Còn với Bắc Kinh, việc hàn gắn mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Seoul trong thời gian qua cũng là nhu cầu cấp thiết sau khi Trung Quốc bắt đầu nếm trải những cú “phản đòn” đầu tiên của loạt biện pháp trừng phạt mà nước này áp đặt, bởi Hàn Quốc là đối tác quan trọng cung cấp các nguyên liệu thô cùng với các trang thiết bị phục vụ sản xuất cho Trung Quốc. Phối hợp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên vừa có thể tác động tới Triều Tiên, vừa phần nào giúp kiềm chế Mỹ. Đó là chưa kể, việc thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc có thể giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Mặc dù chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả khả quan, song việc hai bên không đưa ra tuyên bố chung cũng cho thấy căng thẳng vẫn còn âm ỉ và vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt liên quan đến việc triển khai THAAD. Dẫu vậy, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài hơn 1 giờ so với dự kiến cũng được coi là tín hiệu tốt thể hiện nỗ lực và quyết tâm của hai bên nhằm khôi phục lòng tin hướng tới cải thiện quan hệ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/12. Ảnh: YONHAP/ TTXVN |
Những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường trên Bán đảo Triều Tiên đang đòi hỏi cả Trung Quốc và Hàn Quốc thể hiện vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á. Việc Trung Quốc và Hàn Quốc tạm gác bất đồng, giải tỏa căng thẳng, cùng bắt tay nhau vì lợi ích chung đã mở ra một chặng đường mới trong lộ trình đưa quan hệ giữa hai quốc gia Đông Bắc Á trở lại đúng hướng sau hơn 1 năm băng giá. Điều quan trọng hiện nay là hai nước cần có những hành động cụ thể để chứng minh cho ý chí và quyết tâm của mình.