Châu Á là khu vực năng động nhất của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của châu lục được thúc đẩy nhờ có vị trí là trung tâm sản xuất của thế giới. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế vững mạnh của khu vực này được hỗ trợ chủ yếu nhờ chi phí thấp cùng với lĩnh vực sản xuất chế tạo sử dụng nhiều lao động, hấp thu và thích nghi với các công nghệ và kiến thức toàn cầu.
Các quốc gia dẫn đầu đổi mới
Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) được công bố hàng năm nhằm so sánh, đánh giá các nước, các nền kinh tế trong các khía cạnh như tạo điều kiện môi trường để sáng tạo cũng như các sản phẩm đổi mới của họ.
Châu Á đang trở thành động lực của sáng tạo toàn cầu. Ảnh Internet |
Theo xếp hạng GII năm 2012, Thụy Sĩ dẫn đầu trong bảng đánh giá 125 quốc gia, tiếp đến là Thụy Điển, Singapore, Đặc khu Hành chính Hồng Công, Phần Lan, Đan Mạch, Mỹ, Canada, Hà Lan và Anh. Hàn Quốc ở vị trí thứ 16, hơn cả Nhật Bản (thứ 20). Singapore và Hồng Công dẫn đầu các nền kinh tế châu Á.
Điểm đáng quan tâm là Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 29, trên cả những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn như Malaysia (đứng thứ 31) và Thái Lan (thứ 48). Trung Quốc là nước đang phát triển duy nhất lọt vào top 30.
Việt Nam xếp thứ 51, cũng cao hơn các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ 62, Brunei đứng thứ 75, Philippines (91), Bangladesh (97), Indonesia (99), Pakistan (105) và Campuchia đứng thứ 111.
Chỉ số này cho thấy cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có những điểm yếu trong đổi mới cơ sở hạ tầng và môi trường. Ngoài chỉ số GII còn có chỉ số Hiệu quả Đổi mới Toàn cầu - thể hiện những nước tốt nhất trong việc chuyển từ các sáng tạo đầu vào sang các sản phẩm đầu ra nổi trội. Một điểm đáng lưu ý là một số nước tuy yếu về hoạt động đổi mới sáng tạo về môi trường, sản phẩm đầu vào nhưng lại xếp hạng cao theo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới Toàn cầu. Trong số những nước này phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Châu Á - động lực sáng tạo trong tương lai
Nhật Bản đã trải qua hoạt động sáng tạo công nghệ trong nước và xuất khẩu công nghệ ra bên ngoài. Những sáng tạo này ở Nhật Bản đã giúp tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trong thập niên 1960 và 1970. Các nền kinh tế phát triển châu Á khác như Hàn Quốc, Hồng Công và Xinhgapo đã chuyển đổi các công nghệ nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng và tiếp tục cải thiện tính hiệu quả và khả năng lợi nhuận. Những đổi mới này đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ trong vài thập niên qua và đã giúp cải thiện rất nhiều khả năng cạnh tranh và nâng cao mức sống.
Hiện nay, nhiều nước châu Á đang tìm kiếm cách tăng cường đổi mới công nghệ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điểm quan trọng của những nước này chính là việc tăng cường đổi mới để tiếp bước giai đoạn phát triển tiếp theo. Thực tế là việc tăng chi tiêu toàn cầu cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành điểm ưu tiên mang tính quốc gia. Bên cạnh đó, việc đầu tư R&D tư nhân cũng đang gia tăng ở châu Á. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang đầu tư khá nhiều vào hoạt động R&D ở các nước mới nổi chi phí thấp như Trung Quốc và Ấn Độ.
Một xu hướng nữa là việc gia tăng tầng lớp trung lưu ở châu Á dẫn đầu làn sóng đổi mới để đáp ứng các nhu cầu của họ. Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán rằng chi tiêu của tầng lớp trung lưu ở châu Á đã tăng lên xấp xỉ 4.900 tỷ USD năm 2010 và dự kiến tăng lên hơn 30.000 tỷ USD năm 2020, chiếm khoảng 60% chi tiêu của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Với quy mô, sức mua và nhu cầu gia tăng ở những thị trường này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng sáng tạo ở các ngành khác nhau. Một khi châu Á trở nên giàu hơn, người tiêu dùng trong nước sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy các thị trường.
Tiếp sau bước phát triển của các nền kinh tế châu Á, các công ty châu Á chắc chắn không chỉ đơn thuần là những "cỗ máy copy". Rõ ràng là hoạt động chuyển giao công nghệ tích cực tiếp tục diễn ra trong khu vực. Hơn thế nữa, các công ty châu Á đang ngày càng trở nên sáng tạo và chắc chắn sẽ còn sáng tạo hơn để bắt kịp với đà phát triển của các thị trường địa phương. Còn các tập đoàn ở các nước phát triển phương Tây cũng không thể làm ngơ trước thực tế rằng châu Á đang trở thành động lực của sáng tạo toàn cầu.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)