Ủy ban châu Âu đang xem xét các lựa chọn pháp lý để tịch thu tài sản nhà nước và tư nhân của Nga như một biện pháp khai thác nguồn tiền cho hoạt động tái thiết Ukraine - theo một tài liệu mà tờ Politico xem được.
Theo tài liệu trên, mục tiêu của kế hoạch sẽ là "xác định các cách tăng cường truy tìm, nhận dạng, đóng băng và quản lý tài sản như các bước sơ bộ cho việc tịch thu".
Đối tượng tịch thu tiềm năng sẽ bao gồm gần 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng, cũng như các tài sản và doanh thu của các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt của EU.
Ý tưởng này đã được đưa ra vào tháng 5 và được ủng hộ bởi Kiev, cũng như Ba Lan, các nước Baltic và Slovakia. Sau đó, hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo EU đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu xem xét các lựa chọn pháp lý để thu giữ tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt.
Nhưng vấn đề hóc búa là hiện tại không có cơ chế pháp lý nào để tịch thu tài sản của Nga — như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chỉ ra hồi tháng 5. Cơ chế này sẽ cần phải được tạo ra.
Jan Dunin-Wasowicz, luật sư tại hãng luật Hughes Hubbard & Reed, cho biết: “Có thể có một con đường để EU tịch thu hợp lệ các tài sản bị phong tỏa theo luật pháp quốc tế, nhưng đó có thể là một con đường hẹp, dài và chưa được thử nghiệm”.
Nhưng điều đó không ngăn cản EU xem xét việc này. Liên quan đến tài sản cá nhân thuộc về những người hoặc tổ chức bị trừng phạt, Brussels sẵn sàng đề xuất quy định việc trốn tránh lệnh trừng phạt là một tội phạm trong một bước đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tịch thu tài sản - nhưng chỉ trong trường hợp có kết án hình sự. Ngay cả khi đó, EU sẽ cần phải tranh luận từng trường hợp trước tòa, và có khả năng đối mặt với kiện tụng trong nhiều năm.
Lý do là bởi rất nhiều tài sản này sẽ được coi là đầu tư nước ngoài, vốn được hưởng sự bảo vệ chống lại việc sung công mà không được bồi thường và quyền được đối xử công bằng và bình đẳng theo các hiệp ước quốc tế mà Nga tham gia với nhiều nước EU.
Cơ quan có thẩm quyền tịch thu cũng cần chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa chủ sở hữu tài sản và cuộc xung đột ở Ukraine.
Stephan Schill, Giáo sư về quản trị và luật kinh tế quốc tế tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), cho biết: “Để đảm bảo tính tương xứng, bạn cần xem ai là chủ sở hữu, họ đã làm gì, v.v.”.
Liên quan đến dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga, kho tiền mục tiêu lớn nhất, các lãnh đạo EU viết trong tài liệu nói trên rằng "những khoản này thường được coi là được miễn trừ", với chú thích chỉ ra một công ước của Liên hợp quốc về quyền miễn trừ tài phán của các quốc gia nước ngoài và tài sản của họ, mặc dù vẫn chưa có hiệu lực.
"Từ góc độ luật pháp quốc tế, khá rõ ràng rằng nếu không có sự đồng ý của Nga, bạn không thể sử dụng tài sản của ngân hàng trung ương Nga", ông Schill nói.
Đối với tài sản của các doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của Nga, tài liệu trên lưu ý rằng những thứ này "về nguyên tắc" sẽ không được quy định trong công ước đó, nhưng việc nắm giữ chúng có thể gây ra các vấn đề liên quan đến việc tịch thu tài sản tư nhân, "bên cạnh yêu cầu chứng minh về một sự kết nối đầy đủ với nhà nước Nga."
EU cũng đang cân nhắc áp dụng "thuế xuất cảnh" đối với tài sản hoặc tiền thu được từ tài sản của những cá nhân bị trừng phạt muốn chuyển tài sản của họ ra khỏi EU. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý riêng, vì nó sẽ nhắm mục tiêu vào một nhóm cá nhân cụ thể - tức là đi ngược lại các điều khoản không phân biệt đối xử trong luật pháp quốc tế. Và các nạn nhân có thể viện dẫn quyền con người đối với tài sản như một biện pháp bảo vệ.
Theo chuyên gia Schill, không có tiền lệ hợp lệ và gần đây nào cho bất kỳ tùy chọn nào trong số này. Ông nói: “EU và các quốc gia thành viên đang tìm cách đưa ra luật hình sự mới”.