Đang có sự chia rẽ ngày càng tăng ở châu Âu đối với các biện pháp cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng đối với Nga. Dù còn một vài lời kêu gọi từ một số ít các quốc gia thành viên muốn thúc đẩy thêm hành động chống lại Moskva, lực lượng phản đối lại tăng lên khi lập luận rằng các biện pháp này đang gây "đau đớn" cho châu Âu nhiều hơn là cho Nga.
Từng khu vực ở châu Âu chịu tác động ảnh hưởng khác nhau từ vấn đề này. Ba Lan và các nước Baltic hoàn toàn ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, đồng thời công bố những thông điệp về việc họ không bị ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga. Trong khi đó, Trung Âu tiếp tục thể hiện sự mập mờ trong các tuyên bố của mình khi muốn né tránh "chọc giận" Nga. Trái lại, Tây Âu ủng hộ các chính sách trung lập đồng thời nhất trí hỗ trợ bất kỳ những thiệt hại nào mà các thành viên EU bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt trên.
Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga ở điểm kiểm soát Donetsk tại khu vực biên giới Ukraine ngày 17/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Điều quan trọng là phải xem liệu những quan điểm khác nhau này có gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa các thành viên EU, các nước đáng ra phải có mối quan hệ khăng khít. Ba Lan, một trong những nhà sản xuất than lớn trên thế giới, cho rằng một lệnh cấm vận trên toàn châu Âu sẽ ít gây tổn hại cho EU. Trái lại, đối với Phần Lan, quốc gia đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, một lệnh cấm vận khiến Phần Lan "lao đao" do lĩnh vực xuất khẩu sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 540 triệu USD. Hiện Helsinki đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Moskva để giảm bớt thiệt hại.
Ở tầm vĩ mô thì các biện pháp trừng phạt Nga có khả năng gây chia rẽ chính phần cốt lõi của châu Âu. Ngày 14/8, Đức cho rằng sự suy giảm của nền kinh tế quốc gia là do tác động từ những bất ổn xung quanh tình hình địa chính trị ở Ukraine. Sự suy giảm kinh tế của Đức sẽ khiến tăng trưởng chậm lại trong Khu vực đồng euro, dẫn tới sức ép đòi Ngân hàng Trung ương châu Âu phải thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng định lượng. Những tranh luận về biện pháp nới lỏng định lượng này có khả năng gây chia rẽ Đức với Pháp và Italy; Berlin không muốn chuyển tiền từ khu vực trung tâm châu Âu đến các nước ngoại vi, trong khi Paris và Rome nhiều lần kêu gọi có sự linh hoạt hơn.
Với những chia rẽ sâu sắc như vậy trong EU, một quyết định nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hoặc thậm chí cả việc hủy bỏ những biện pháp đã áp dụng đều khó xảy ra. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra thông qua việc bỏ phiếu đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Cuộc bỏ phiếu như vậy diễn ra ba tháng một lần, với biện pháp trừng phạt gần đây nhất sẽ được xem xét bỏ phiếu lại vào tháng 10 tới. Trong khi đó, tình hình ở Ukraine không thay đổi. Dù tốt hay xấu, người châu Âu đã tự khóa mình vào các biện pháp trừng phạt Nga và điều này, đổi lại, sẽ tiếp tục làm xói mòn những liên kết giữa các thành viên EU.
Quang Tuyến (Theo mạng tin "Stratfor")