Mùa Đông năm ngoái, người châu Âu đã phải chi trả cho những hóa đơn năng lượng đắt đỏ kỷ lục khi lục địa này nhanh chóng từ bỏ nguồn cung khí đốt của Nga. Năm nay, EU đã chuẩn bị tốt hơn. Nhưng giờ đây, một cuộc chiến tranh khác đã nổ ra, với nguy cơ làm rung chuyển thị trường năng lượng của khối này.
Hai cuộc chiến đe dọa thị trường năng lượng
Xung đột giữa Israel và phong trào Hamas có nguy cơ làm gián đoạn mối quan hệ của châu Âu với Trung Đông, thậm chí đẩy Iran vào thế đối đầu trực tiếp với Israel và các đối tác phương Tây. Mặc dù hiện tại thị trường tương đối yên tĩnh nhưng một trong hai kịch bản kể trên đều có thể gây ra hỗn loạn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, châu Âu đã được trang bị để đối mặt với sự thắt chặt của thị trường dầu và diesel toàn cầu. Đó là khẳng dịnh của Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson với tờ Politico mới đây. Theo bà, các nhà lãnh đạo EU đã rút ra được bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và đang nỗ lực làm rõ các điểm yếu để khắc phục tình hình, cũng như cách thức chuẩn bị cho mọi sự cố hoặc trường hợp khẩn cấp.
Bà Simson cho biết các quan chức EU đã tổ chức nhiều cuộc họp với các quốc gia sản xuất dầu trong những tuần gần đây, kể cả những đối tác cũ như Na Uy và các đối tác mới nổi như Algeria và Nigeria, để chuẩn bị trước cho bất cứ nguy cơ gián đoạn tiềm tàng nào.
Nữ ủy viên cho biết: “Sau khi cuộc khủng hoảng Gaza diễn ra, chúng ta phải đối mặt với hai cuộc xung đột ở khu vực lân cận châu Âu. Đông Địa Trung Hải là một vị trí quan trọng đối với an ninh năng lượng châu Âu, vì quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu vẫn vướng vào những bất ổn địa chính trị”.
Xung đột dữ dội ở Gaza và ở mức độ giao tranh thấp hơn dọc biên giới phía Bắc của Israel với Liban chỉ có tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ. Ban đầu, giá nhiên liệu tăng do tin tức về cuộc tấn công của phiến quân Hamas vào ngày 7/10 và phản ứng đáp trả mạnh mẽ của Israel. Nhưng dầu thô tiêu chuẩn Brent đã giảm 4,2% trong tuần này, xuống khoảng 81 USD/thùng, quanh mức trước khi tình trạng bạo lực nổ ra.
Thị trường đã tránh lặp lại tình huống năm 1973, khi Chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và các nước láng giềng đã thúc đẩy các nhà sản xuất lớn của Arab, dẫn đầu là Saudi Arab, cấm vận xuất khẩu sang các đồng minh của Israel. Quan hệ của các quốc gia vùng Vịnh với Israel đã được cải thiện rõ rệt trong 50 năm qua. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv theo Hiệp định Abraham năm 2020, trong khi Saudi Arabia đang đàm phán vì mục đích tương tự.
Do đó, các thương nhân đang đặt cược rằng miễn là xung đột không mở rộng, nguồn cung dầu vẫn sẽ ổn định. Nhà phân tích dầu thô Viktor Katona tại công ty tình báo năng lượng Kpler, cho rằng rủi ro bắt nguồn nhiều hơn từ Iran. Trong trường hợp xấu nhất, việc mở rộng xung đột có thể khiến Iran phong tỏa tuyến đường vận chuyển qua eo biển Hormuz. Dầu thô của Iran đang được xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc. Ông Katona nhận định: “Nếu Israel bắt đầu tấn công lãnh thổ Iran và hậu quả là Iran xuất khẩu ít dầu hơn, thì Trung Quốc không có đủ dầu thô và cần phải mua từ nơi khác. Đó là toàn bộ vòng xoáy sẽ được kích hoạt ngay lập tức”.
Mặc dù các lãnh đạo Iran liên tục đưa ra những tuyên bố đe dọa nhà nước Israel và ủng hộ các cuộc tấn công của Hamas vào tháng trước, nhưng họ phủ nhận có liên quan đến kế hoạch tấn công đó. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã tấn công vào các lực lượng ở Syria có liên kết chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhưng cho đến nay vẫn chưa dừng tấn công các mục tiêu bên trong Iran.
Bài học rút ra
Thị trường khí đốt chịu tác động trực tiếp hơn từ chiến tranh. Israel đã khóa van mỏ khí đốt Tamar ở ngoài khơi trong vòng vài giờ sau khi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nổ ra, với lo ngại khu vực này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa. Trong khi Israel chỉ sản xuất một lượng khí đốt tự nhiên tương đối nhỏ (khoảng 21 tỷ mét khối vào năm ngoái) so với 618 tỷ mét khối của Nga, thì đây là nhà xuất khẩu chủ chốt sang nước láng giềng Ai Cập. Và thời gian Tel Aviv ngừng khai thác khí đốt đã khiến tình trạng mất điện ở Ai Cập trở nên trầm trọng hơn. Dòng chảy đã được nối lại, mặc dù với số lượng nhỏ hơn.
Bất kỳ sự leo thang nào với Iran đều có thể tác động đến thị trường khí đốt cũng như dầu mỏ, dựa trên thực tế rằng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và 1/6 lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Một nhà ngoại giao EU nắm được thông tin của các cuộc đàm phán chiến lược năng lượng nội địa cho biết: “Nếu mọi thứ vẫn như cũ thì không có vấn đề gì, nhưng nếu xảy ra một cuộc chiến mà Iran tham gia và họ chặn eo biển Hormuz thì giá cả chắc chắn sẽ tăng”.
Tuy nhiên, quan chức trên lưu ý rằng tất cả các nước lớn đều muốn tránh leo thang và bản thân Iran cũng muốn tránh điều này vì mối đe dọa trừng phạt.
Ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tình báo hàng hóa ICIS, cho biết nếu kịch bản thảm khốc đó không xảy ra, tác động lên thị trường khí đốt của EU sẽ chỉ hạn chế, và chủ yếu là do cuộc xung đột ở Ukraine nhiều hơn là cuộc xung đột ở Trung Đông.
Theo Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên đã cắt giảm tổng cộng gần 20% mức sử dụng khí đốt tự nhiên, trong khi sản lượng của ngành công nghiệp này giảm xuống, còn năng lượng tái tạo đóng vai trò lớn hơn nhiều trong sản xuất điện. Mặc dù vậy, mức tiêu dùng thực sự đã tăng vào tháng 10 vừa qua - lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine. Đây là một dấu hiệu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp có thể đang cố gắng khôi phục lại sản lượng.
Nhưng ngay cả khi trữ lượng khí đốt của khối đã đầy hơn 99% trước thời hạn, giá cả ở lục địa này vẫn cao so với các khu vực khác. Điều đó có nghĩa là người châu Âu có nhiều nguy cơ hứng chịu chi phí năng lượng tăng đột biến trong thời gian ngắn.
Ông Georg Zachmann, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu năng lượng Bruegel cho biết: “Chúng ta đang ở trong tình thế tốt hơn nhiều so với năm 2022. Chúng ta có nhiều máy bơm nhiệt hơn, các nhà máy điện đã trở lại như cũ và chúng ta đã xây dựng thêm nhiều trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng”. Dù vậy, ông cảnh báo nếu các quốc gia thành viên mất tập trung vào việc giảm nhu cầu và cố gắng tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp của họ bằng các khoản trợ cấp, điều đó có thể gây ra một cuộc chạy đua lãng phí, về cơ bản là gây bất lợi cho tất cả mọi người.
Đồng thời, mùa Đông ở châu Âu đã không còn như trước nữa. Theo báo cáo giám sát vệ tinh Copernicus của EU được công bố trong tuần này, nhiệt độ ấm kỷ lục đã được ghi nhận trên toàn cầu trong bốn tháng qua, trong khi mùa đông năm ngoái là mùa ấm thứ hai từng được ghi nhận ở châu Âu.