Người nhập cư mới ở Đức cần có thời gian dài để hội nhập. Ảnh: breitbart.com |
Đã có lúc các nhà kinh tế và quản lý hàng đầu ở Đức coi làn sóng di cư vào châu Âu là cơ hội để phát triển kinh tế. Họ từng tự nhủ: "Những người tìm kiếm sự che chở ở Đức sẽ giúp đất nước giải quyết các vấn đề bức thiết. Người tỵ nạn sẽ là nguồn nhân công cần thiết để giữ mãi sự thần kỳ của nền kinh tế Đức. Những người nhập cư trẻ tuổi sẽ bù đắp cho sự khủng hoảng dân số".
Nhưng giờ đây, theo tờ Die Welt, cách nhìn lạc quan này không phù hợp với thực tế. Người Đức đang lo rằng nếu cuộc thương lượng về người tỵ nạn với Thổ Nhĩ Kỳ bị bế tắc thì sẽ có thêm làn sóng nhập cư tràn vào CHLB Đức.
Theo cuộc thăm dò dư luận do báo Die Welt kết hợp với hãng Roland Berger thực hiện, trong giới quản lý cấp một và cấp hai của các công ty có tới 75% số người được hỏi nói rằng làn sóng nhập cư mới tương tự như của năm 2015 sẽ là gánh nặng kinh tế đối với Đức.
Các nhà kinh tế và quản lý hàng đầu ở Đức trong thời gian gần đây buộc phải thừa nhận rằng không thể trông chờ vào sự đóng góp xứng đáng vào thị trường lao động từ một bộ phận rất lớn phần người tỵ nạn, kể cả trong tương lai ngắn hạn và trung hạn. Sự hòa nhập của người tỵ nạn diễn ra khó khăn hơn nhiều so với dự tính.
Đa số người nhập cư vấp phải những thách thức nghiêm trọng liên quan đến học vấn và sự thích ứng trong công việc. Phải mất tới năm năm mới có một nửa số người tỵ nạn tạm ổn định trên thị trường lao động.
Giờ đây không ai ảo tưởng rằng có thể học nghề và học tiếng Đức trong một thời gian ngắn. Nhiều người tỵ nạn vì cần kiếm tiền ngay mà không thể đi đến cuối con đường học vấn.
Các nhà kinh tế hàng đầu của Đức cũng nhận ra rằng sự căng thẳng xã hội ngày càng tăng sẽ nhanh chóng tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sự tác động tích cực từ dòng người tỵ nạn chỉ diễn ra nếu họ hòa nhập nhanh với xã hội nước bản địa. Ngược lại, các chi phí để nuôi người nhập cư sẽ tăng cao và khiến cho người Đức bất bình.