Chưa dừng lại ở đó, Tổ chức Khí tượng thủy văn thế giới (WMO) cho biết vẫn còn những tác động tồi tệ hơn ở phía trước đe dọa nguồn cung thực phẩm, kinh tế và y tế của khu vực này.
Theo WMO, tốc độ tăng nhiệt tại châu Phi cũng tương đương với tốc độ tăng tại các khu vực khác, nhưng "Lục địa Đen" là nơi đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của tình trạng này.
Nhiệt độ tăng khiến sản lượng vụ mùa giảm mạnh trong khi nông nghiệp là ngành xương sống của kinh tế các nước miền Nam châu Phi. Tính đến năm 2050, hầu hết các loại cây ngũ cốc chính ở khu vực này đều sẽ chịu tác động nghiêm trọng. WMO dự báo sản lượng vụ mùa ở các nước Tây và Trung Phi sẽ giảm 13%, ở Bắc Phi giảm 11% và ở Đông và miền Nam châu Phi giảm 8%. Theo WMO, các quốc gia châu Phi nhìn chung vẫn là các nước thu nhập thấp và chưa được trang bị tốt để ứng phó với tình trạng giảm sản lượng cũng như những hậu quả khác của biến đổi khí hậu.
Những thảm họa thiên nhiên như bão Idai và Kenneth, tấn công 3 quốc gia ở phía Nam châu Phi vào năm 2019, đã bộc lộ rõ những điểm yếu trong ứng phó khủng hoảng của khu vực. Các cơn bão khiến hơn 2 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy khoảng một nửa triệu hécta hoa màu ở Mozambique.
Trong khi đó, những vùng đất hạn hán ở Sahel, số người suy dinh dưỡng đã tăng 45% từ năm 2012. Biến đổi khí hậu kết hợp với những vấn đề khác như xung đột khiến càng khiến tình trạng đói nghèo gia tăng. Ở vùng Sừng châu Phi, lượng mưa dưới mức trung bình trong năm 2018 và 2019 đã khiến sản lượng vụ mùa tại Somalia rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi các dữ liệu được thu thập năm 1995 và tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Kenya. Sau hạn hán là đến bão lũ. Somalia, Kenya, Ethiopia và Tanzania đều ghi nhận lượng mưa tối thiểu là gấp đôi lượng mưa thông thường vào cuối năm 2019. Mưa giúp vụ mùa tươi tốt những cũng dẫn tới nạn châu chấu khiến hàng trăm nghìn hecta đất trồng tại các quốc gia này bị tàn phá.
Theo WMO, tới nay, những người nghèo nhất là những người chịu thiệt hại nặng nhất. Theo nghiên cứu về tác động lâu dài của dịch bệnh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khu vực châu Phi sẽ giảm từ 2,25% đến 12,12% khi nhiệt độ tăng. Thời tiết ấm hơn và ẩm hơn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng mang mầm bệnh như sốt xuất huyết, sốt vàng da và sốt rét sinh sôi.