Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 26/4, bà Vera Songwe, Thư ký điều hành của UNECA, nhấn mạnh: “Việc châu Phi không nhanh chóng triển khai tiêm phòng như hiện nay rõ ràng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế”. Theo bà, sự hạn chế trong tiếp cận vaccine sẽ cản trở các hoạt động đi lại và kinh doanh tại chỗ cũng như làm gián đoạn hoạt động giao dịch thương mại và đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và ngăn trở việc tạo ra 26 triệu việc làm cho người dân.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính sản lượng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 4 năm qua. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi dự báo ở mức 3,4%, tụt hậu so với các khu vực khác.
Cũng theo IMF, các nước nghèo hơn sẽ cần triển khai 450 tỷ USD cho công cuộc tái thiết trong 5 năm tới để rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển.
Theo bà Songwe, trong khi một số nền kinh tế ở châu Phi đã có thể tiếp cận với nguồn 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt mà IMF dự định cung cấp cho các quốc gia mới nổi và có thu nhập thấp để đối phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế, việc không đảm bảo có đủ tiền đối với các quốc gia châu Phi khác sẽ khiến cả châu lục phát triển thụt lùi.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho thấy khoảng 15 triệu liều vaccine đã được tiêm ở lục địa với tổng dân số khoảng 1,3 tỷ người. Theo bà Songwe, để mở rộng khả năng tiếp cận vaccine và mở đường cho các nước châu Phi sản xuất thuốc điều trị, ngày hết hạn của giấy phép bằng sáng chế, đặc biệt là đối với vaccine được tài trợ cho tiêm chủng toàn dân, phải được rút ngắn.