Trong bối cảnh các quốc gia giàu có đều đã nhanh chân đặt trước những liều vaccine của các hãng Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson và triển khai các chương trình tiêm chủng đến các giai đoạn khác nhau thì nhiều nước tại châu Phi, do không đủ nguồn lực tài chính, vẫn đang chật vật tìm kiếm nguồn cung vaccine.
Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu bàn giao những lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, tới nay số lượng vaccine bàn giao vẫn nhỏ giọt trong khi việc đặt mua vaccine theo các hợp đồng thương mại lại không phải là ưu tiên của các chính phủ do giá thành cao. Vì vậy, những nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng tại châu Phi hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.
Về mặt khách quan, Nga cam kết dành cho châu Phi 300 triệu liều vaccine COVID-19 kèm theo gói hỗ trợ tài chính cho một cơ chế mua vaccine của Liên minh châu Phi (AU). Tuy nhiên, việc bàn giao vaccine theo chương trình này sẽ chỉ được thực hiện sớm nhất là từ tháng 5 tới. Tới nay, Nga cũng mới chỉ bàn giao tổng cộng 100.000 liều vaccine cho Algeria, Tunisia và Guinea.
Về phần mình, Trung Quốc cũng cam kết tài trợ miễn phí khoảng 1/4 trong tổng số lượng liều vaccine mà quốc gia này dành cho châu Phi. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn y tế Bridge Consulting, có trụ sở tại Bắc Kinh, đến nay, châu Phi mới nhận khoảng 3,15 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, tức là chưa bằng 4% tổng lượng liều vaccine được xuất đi từ nước này.
Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Liên hợp quốc điều phối đặt mục tiêu bàn giao 35 triệu liều cho châu Phi vào cuối tháng 3 này và đến cuối năm 2021 sẽ bàn giao tổng cộng 720 triệu liều. Tuy nhiên, số lượng trên mới chỉ đủ để tiêm cho nhóm những người có nguy cơ cao nhất tại châu lục này.
Về mặt chủ quan, các vaccine phòng COVID-19 của Nga và Trung Quốc đều chưa chính thức được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp khiến không ít quốc gia châu Phi dè dặt cân nhắc đặt mua. Theo Giám đốc Trung tâm Vaccine và Miễn dịch Đông Phi Ombeva Malande, Senegal và Kenya đang cân nhắc mua vaccine của Trung Quốc nhưng vẫn đặt trọng tâm vào những loại vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX. Uganda cũng sẽ chỉ xem xét sử dụng những vaccine được WHO cấp phép.
Bên cạnh đó, trong khi cơ chế COVAX ưu tiên cung cấp vaccine miễn phí cho các nước châu Phi thì một số nước tại châu lục muốn đặt mua vaccine sớm phải chấp nhận mức giá khá cao. Cụ thể, Senegal phải trả 20 USD cho 1 liều vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) trong hợp đồng đặt mua 200.000 liều vaccine từ nhà cung cấp Trung Quốc. Đây là mức giá cao nếu so với vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Serum Ấn Độ sản xuất có mức giá 3 USD/liều. Vaccine Sputnik V của Nga cũng có giá bán thương mại là 10 USD/liều.
Hiện Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tham gia phát triển vaccine Sputnik V, đang đàm phán để tham gia cơ chế COVAX, hứa hẹn giá vaccine sẽ tiếp tục giảm. Theo chuyên gia W. Gyude Moore, từ Trung tâm phát triển toàn cầu, có trụ sở tại Washington, chỉ riêng những nỗ lực của COVAX sẽ không đủ để đảm bảo các chương trình tiêm chủng mở rộng có thể thực hiện tại tất cả các nước châu Phi. Các quốc gia trong châu lục cũng sẽ phải cùng tham gia nhưng vấn đề giá đặt mua vaccine lại là một trở ngại lớn.
Ngay cả khi có thể đặt mua thì các nước châu Phi cũng chưa chắc sẽ nhận được vaccine từ Nga và Trung Quốc trong thời gian sớm. Cả Trung Quốc và Nga đều sẽ phải tăng tốc sản xuất vaccine nếu muốn xuất khẩu ra nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu vaccine trong nước tại 2 quốc gia này có dân số cao tốp đầu thế giới được cho là sẽ rất lớn.