Mối lo ngại về tỷ lệ sinh và kết hôn thấp, cũng như tác động của sự trì trệ kinh tế và lực lượng lao động già đi ngày càng tăng lên, giới chức Trung Quốc đang đẩy mạnh vai trò “ông tơ, bà nguyệt” trong quần chúng.
Đoàn thanh niên ở nhiều địa phương của quốc gia 1,4 tỷ dân này đang nỗ lực tổ chức các sự kiện dành riêng cho những người độc thân đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nửa của mình.
"Đã đến lúc tôi phải hẹn hò và kết hôn. Nhưng tôi không tìm thấy người phù hợp xunh quanh mình. Vì vậy tôi muốn mở rộng phạm vi kết nối xã hội của mình", anh Zhang, 30 tuổi, nói về quyết định tham gia chương trình hẹn hò do nhà nước tổ chức.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ kết hôn ở đất nước này đã giảm trên toàn quốc. Chỉ có 8,14 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2020, giảm mạnh so với con số 13,47 triệu vào năm 2013.
Số liệu của NBS cho thấy tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đã giảm xuống mức 7,52 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái - con số thấp nhất kể từ năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập.
Một phần do "chính sách một con" và quan niệm trọng nam khinh nữ dẫn đến việc phá thai để chọn giới tính, số đàn ông ở Trung Quốc đã chênh lệch hàng chục triệu người so với phụ nữ.
Sự mất cân bằng giới tính đối với thế hệ sinh ra trong khoảng năm 1980 đến năm 2016, khi các quy tắc được nới lỏng, đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn, khiến đàn ông khó lấy được vợ.
Zhang Shaoge giải thích: "Tôi không gặp nhiều phụ nữ do hạn chế trong công việc”. Anh nói thêm rằng bản thân tham gia chương trình hẹn hò một phần là vì bị gia đình gây sức ép “yên bề gia thất”.
Và Zhang không phải trường hợp hiếm.
Lễ mai mối tập thể
Mới đây, hơn 100 người độc thân đã tham dự một sự kiện mai mối được tổ chức tại một công viên ở Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông. Khách mời cần viết chi tiết tuổi tác, lĩnh vực công việc và thu nhập của họ lên những tờ giấy được giăng giữa những thân cây.
Sau đó, người dẫn chương trình đã hoạt náo bầu không khí giữa những người tham gia bằng cách trò chơi theo nhó, theo cặp.
"Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi dự các sự kiện chính thức như này”, kỹ sư Li Changle, 26 tuổi, chia sẻ. Anh cho hay trên mạng có rất nhiều trang web mai mối, nhưng nếu bạn điền thông tin vào đó, bạn sẽ bị gọi điện thoại quấy rối.
Một người tham gia khác là Xu Feng, 40 tuổi, thừa nhận đã đăng ký vì gia đình quá sốt sắng chuyện kết hôn của anh ta. Anh nói: “Tôi càng lớn tuổi, càng có nhiều áp lực”.
Tại tỉnh An Huy, các quan chức địa phương đã sử dụng công nghệ hỗ trợ để kết nối những người trẻ tuổi. Họ đã khởi động một chương trình nhỏ trên nền tảng WeChat. Các thành viên đăng ký tham gia có thể xem thông tin như tên, chiều cao, công ty và thu nhập của người khác.
"Nếu bạn có cảm tình với ai đó, bạn có thể kết bạn với họ", Li Heng, đại diện của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc giải thích. Cô cho biết các chương trình do đoàn thanh niên tổ chức có lợi thế lớn khi có có thể thông báo được cho những người độc thân ở khắp các công ty và ngành công nghiệp lớn.
Bà Leta Hong Fincher, tác giả cuốn sách “Betraying Big Brother: The Feminist Awakening” ở Trung Quốc, những năm gần đây đã đảm nhận vai trò tài trợ chủ cho các sự kiện mai mối hàng loạt".
Bà cho rằng chương trình “mai mối” của chính phủ không đơn thuần vì vấn đề tỷ lệ sinh đáng lo ngại, mà còn nhắm mục tiêu vào những phụ nữ có trình độ đại học để tuyên truyền khuyến khích họ kết hôn, nhằm đảm bảo một “nền dân số chất lượng cao hơn".
Hạn chế thách cưới
Bắc Kinh đang xoá bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt đã tồn tại nhiều thập kỷ bằng quyết cho phép cặp vợ chồng có thể sinh ba con vào tháng 5 năm ngoái, đồng thời áp dụng các giai
đoạn “hạ nhiệt” trước ly hôn.
Nhưng những người mai mối ở nói với hãng thông tấn AFP rằng sự mất cân bằng giới tính, đặc biệt là ở vùng nông thôn, đã khiến tình yêu và hôn nhân nằm ngoài tầm với của một số người. "Đôi khi tỷ lệ này vượt quá mức 10 chọi 1", người mai mối Quan Baoyong ở Hà Nam nói về vấn đề chênh lệch nam - nữ.
Giới chức Trung Quốc đang ưu tiên giải quyết vấn đề này, song các chiến dịch có thể gây phản tác dụng. Năm ngoái, đề xuất của một quận nhằm khuyến khích phụ nữ nông thôn ở lại quê hương của họ và kết hôn với người bản địa đã gây ra một cơn bão chỉ trích trên mạng. Các nhà chức trách đã lên tiếng giải thích rõ rằng họ không cố ý ép buộc mọi người ở lại.
"Nếu bây giờ tôi mới hơn 20 tuổi thì tôi sẽ không vội lấy vợ", tài xế giao hàng Zhao Liang chia sẻ. Ông lưu ý rằng quá trình này hiện "thiên về vật chất" nhiều hơn so với thời điểm ông kết hôn trước đây. "Nhà gái yêu cầu chú rể phải có nhà và xe hơi, chưa kể đến quà đính hôn. Số tiền đó phải ít nhất 500.000 đến 600.000 nhân dân tệ", ông Zhao nói.
Chính quyền tại các địa phương đang muốn xoá bỏ những phong tục hôn nhân "không lành mạnh”, chẳng hạn như thách cưới quá cao hay đòi của hồi môn xa xỉ.
Tiền sính lễ ở một số ngôi làng của Hà Nam có thể lên đến 160.000 nhân dân tệ (hay gần 600 triệu) do các gia đình phải tranh giành người con dâu phù hợp nhất. Một số quan chức đã bắt đầu giới hạn con số này ở mức 66.000 nhân dân tệ để giảm bớt gánh nặng cho nam thanh niên ở vùng nông thôn.