Số liệu càng cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu giữa bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nỗ lực thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Các nhà đầu tư hiện ngày càng lo ngại các biện pháp kích thích do đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng lạm phát toàn cầu và buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết trong tháng Năm, Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9%, ghi dấu mức tăng hàng tháng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008, nhờ đà tăng mạnh mẽ của giá dầu thô, quặng sắt và kim loại màu. Trước đó, trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, các nhà phân tích dự báo PPI tăng 8,5% sau khi tăng 6,8% trong tháng Tư.
Tuy nhiên, đà tăng của PPI vẫn chưa ảnh hưởng đến lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) vẫn chưa lo ngại về vấn đề này trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, Nie Wen, nhà kinh tế tại Hwabao Trust, nhận định điều đáng lo ngại là PPI có thể giữ ở mức cao trong một thời gian dài và gây ra các vấn đề kinh tế nếu các công ty quy mô vừa không chịu được chi phí cao hơn.
PBoC cho rằng giá hàng hóa cao hơn và cơ sở thấp trong năm ngoái có thể tiếp tục đẩy lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc gia tăng trong quý II và quý III/2021.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết thực hiện các biện pháp để hạ nhiệt giá hàng hóa và ngăn tình trạng này ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Theo số liệu của NBS, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 1,3% trong tháng Năm, cao hơn mức tăng 0,9% trong tháng Tư nhưng thấp hơn mức dự báo 1,6% trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước đó.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ sau tác động của dịch COVID-19 gây ra vào đầu năm ngoái, với mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý I/2021.