Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), chính phủ Chile tuyên bố trên Twitter ngày 9/3 sau khi tổ chức Our World in Data công bố dữ liệu: “Hôm nay, chúng ta có thêm một lý do mới để tự hào. Chile đã chiếm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng toàn cầu về tỉ lệ tiêm vaccine cho 100 dân”.
Theo đó, Chile đã tiêm trung bình 1,08 liều vaccine/ngày/100 dân trong 7 ngày qua. Trong khi Israel đã tiêm trung bình 1,03 liều/ngày/100 dân.
Chile, cùng với Mexico và Costa Rica, là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên bắt đầu tiêm chủng cho người dân và đã sớm đàm phán về việc mua vaccine. Kết quả là các cuộc đàm phán đã đảm bảo được 35 triệu liều và 10 triệu trong số đó đã đã được phân phối. Hầu hết vaccine được sử dụng trong khu vực đều của công ty Sinovac Trung Quốc.
Chile, quốc gia có 18 triệu dân, dự kiến sẽ tiêm chủng cho toàn bộ dân số vào tháng 6. Quốc gia này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 4.176.094 người (chiếm hơn 21% dân số) kể từ khi bắt đầu chiến dịch hồi tháng 12/2020.
Dù đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng, Chile vẫn chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao. Nước này đã ghi nhận trên 5.000 ca nhiễm mới hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
Trong khi đó, Israel đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số 9,3 triệu người và đang thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế trong tuần này. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng cam kết sẽ tiêm phòng cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối tháng 4. Ông nói rằng điều này có nghĩa là "chúng ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19".
Phần lớn các quốc gia vẫn đang phải vật lộn chống đỡ đại dịch COVID-19. Ngày 11/3 là tròn một năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Ngày 11/3/2020, thế giới ghi nhận 125.000 ca mắc COVID-19 và gần 5.000 trường hợp tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 117 triệu người mắc bệnh và trên 2,6 triệu người đã tử vong.