Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết: "Sẽ khó có lý do tiến hành bỏ phiếu nếu biết sẽ thất bại".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond trả lời phỏng vấn đài BBC cho biết: "Chúng tôi sẽ chỉ đưa thỏa thuận trở lại nếu tin tưởng rằng có đủ số đồng nghiệp sẵn sàng ủng hộ để thỏa thuận được thông qua tại Nghị viện".
Nước Anh rơi vào tình trạng tê liệt về chính trị khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến thời điểm Brexit (ngày 29/3), chấm dứt 46 năm là thành viên của EU. Hạ viện Anh đã hai lần bác bỏ nội dung thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã rất vất vả để đạt được với các lãnh đạo EU cuối năm 2018.
Trong cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên vào tháng 1 vừa qua, thỏa thuận đã bị bác bỏ với 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống. Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai vào ngày 12/3 vừa qua, thỏa thuận lại bị bác bỏ với 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.
Thủ tướng May dự định đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu lần thứ ba vào ngày 20/3 tới và nếu văn bản này được các nghị sĩ thông qua, bà sẽ đề nghị EU gia hạn Brexit "về kỹ thuật" đến tháng 6 tới.
Trong bài viết trên tờ The Sunday Telegraph số ra ngày 17/3, bà May cảnh báo rằng nếu thất bại một lần nữa, Anh chắc chắn sẽ phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5 tới và đó sẽ là "một sự thể hiện rõ rệt thất bại chính trị tập thể của Quốc hội, khi phải tham gia cuộc bầu cử EP 3 năm sau khi người Anh đã bỏ phiếu rời khỏi khối này". Bà May cũng nhấn mạnh điều này đồng nghĩa Anh "chắc chắn sẽ không rời EU trong nhiều tháng".
Một số lãnh đạo EU đã gợi ý hoãn Brexit đến cuối năm 2020, cho rằng hoãn Brexit lâu như vậy có thể cho Anh thêm thời gian để quyết định hoặc là gắn bó mật thiết hơn với EU, hoặc là hủy bỏ Brexit trong một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Cả hai kịch bản này hiện được đông đảo giới chức EU hoan nghênh.
Theo kế hoạch, lãnh đạo 27 nước EU sẽ gặp nhau tại Brussels ngày 21-22/3 tới để thảo luận về các kịch bản Brexit của khối này.