Phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Công nghiệp Anh, một tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng, tân Thủ tướng Sunak, người đã vận động bỏ phiếu cho Brexit vào năm 2016, nói với các đại biểu tham dự rằng: “Tôi đã bỏ phiếu cho Brexit. Tôi tin vào Brexit”.
Trước đó tờ Sunday Times (Anh) đưa tin các bộ trưởng cấp cao nước này đang nghiên cứu một đề xuất mới về mối quan hệ với EU dựa trên thỏa thuận của Thụy Sĩ, có thể mở ra khả năng tiếp cận thị trường chung. Báo trên cũng cho rằng điều này có thể liên quan đến các khoản đóng góp hàng năm của Anh cho ngân sách EU nhưng không phải là sự trở lại của quyền tự do đi lại.
Những thông tin này, kết hợp với nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vào tuần trước rằng ông sẽ tìm cách “xóa bỏ phần lớn các rào cản thương mại tồn tại giữa chúng tôi và EU”, đã gây ra cuộc tranh luận về mối quan hệ kinh tế của Anh với EU, nhưng cũng dẫn đến sự tức giận với những người ủng hộ Brexit.
Mặc dù đảng Bảo thủ cầm quyền, khi đó do ông Boris Johnson lãnh đạo, đã giành được đa số 80 ghế tại cuộc bầu cử tháng 12/2019 với cam kết hoàn tất quá trình Brexit, các cuộc thăm dò dư luận sau đó cho thấy nhiều người Anh tin rằng việc rời khỏi EU là một sai lầm.
Đảng Lao động đối lập đã từ chối đưa ra quan điểm của mình ngoài việc phản đối tư cách thành viên của Anh trong thị trường chung châu Âu. Một thỏa thuận kiểu Thụy Sĩ sẽ dựa trên nguyên tắc liên kết quy định, theo đó Anh sẽ cam kết tuân thủ các quy định về thị trường chung của EU.
Tuy nhiên, ông Sunak nói rằng việc ở "bên ngoài" EU sẽ giúp Anh thiết lập “các chế độ quản lý phù hợp với tương lai để đảm bảo rằng quốc gia này có thể dẫn đầu trong những ngành sẽ tạo ra việc làm và tăng trưởng trong tương lai”.