Chính phủ Italy thông qua sắc lệnh mới về phòng, chống dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trong cuộc họp ngày 5/1, Chính phủ Italy đã thông qua một sắc lệnh mới nhằm ứng phó đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, tất cả người dân Italy trên 50 tuổi đều phải tiêm chủng; người trên 50 tuổi và đi làm (kể từ ngày 15/2) phải xuất trình “siêu thẻ xanh”, chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ do yếu tố sức khỏe được bác sĩ xác nhận. Trong khi đó, nội dung đề xuất của Bộ Y tế về áp dụng “siêu thẻ xanh” đối với tất cả người lao động đã không được thông qua, chủ yếu do sự phản đối của đảng Liên đoàn. Thay vào đó, sắc lệnh chỉ yêu cầu thẻ xanh cơ bản, bao gồm cả kết quả xét nghiệm âm tính, đối với người lao động và khách hàng trong một số lĩnh vực như dịch vụ cá nhân, dịch vụ thương mại, trung tâm mua sắm, công sở, dịch vụ công cộng…

Tại cuộc họp, Chính phủ Italy cũng nhất trí cho phép các trường học mở cửa trở lại từ ngày 10/1 cùng những biện pháp phòng dịch được phân cấp chi tiết. Đối với nhóm học sinh mầm non, toàn bộ lớp học sẽ thực hiện cách ly nếu phát hiện ít nhất 1 ca dương tính. Trong khi đó, cách ly (7 ngày) được áp dụng đối với nhóm tiểu học nếu lớp có 2 ca dương tính, vẫn học trực tiếp kết hợp xét nghiệm giám sát nếu chỉ có 1 ca dương tính.  Đối với nhóm học sinh trung học, lớp thực hiện giám sát chặt chẽ nếu có 1 ca dương tính; bắt buộc đeo khẩu trang FFP2 nếu tăng lên 2 ca; tất cả học sinh chưa tiêm chủng phải học từ xa trong trường hợp có 3 ca; cả lớp phải cách ly nếu có 4 ca trở lên. Ngoài ra, Chính phủ Italy cũng đã thông qua kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi.

Cuộc họp của chính phủ Italy được triệu tập trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này liên tục gia tăng và đã lên tới 189.109 ca mới trong ngày 5/1. Sau cuộc họp, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định mục đích của các biện pháp mới này là nhằm duy trì hoạt động bình thường của các bệnh viện, trường học và các cơ sở kinh doanh, hạn chế tốc độ gia tăng số ca nhiễm và thúc đẩy người dân tham gia tiêm chủng theo quy định.

* Phóng viên TTXVN tại Tokyo cho biết trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19, ngày 5/1, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét áp dụng biện pháp chống dịch trọng điểm tại 3 địa phương gồm Okinawa, Yamaguchi, Hiroshima.

Cụ thể, trên cơ sở tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng tại tỉnh Okinawa, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc đối với kiến nghị của chính quyền tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại đây. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng có thể sẽ được áp dụng tại tỉnh Yamaguchi, chủ yếu tại thành phố Iwakuni nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ, cùng với tỉnh lân cận là Hiroshima.

Nếu biện pháp trọng điểm phòng dịch được áp dụng trong vài ngày tới, đây sẽ là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản tái áp đặt biện pháp phòng dịch từ ngày 30/9/2021, theo đó, các cơ sở ăn uống sẽ được yêu cầu rút ngắn thời gian phục vụ trong ngày và từ chối phục vụ những khách hàng không chấp hành quy định về đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…

Dự kiến, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ thảo luận với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Shigeyuki Goto và Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Daishiro Yamagiwa (phụ trách ứng phó với dịch bệnh COVID-19) vào ngày 6/1 và có thể đưa ra quyết định chính thức vào ngày 7/1 trên cơ sở tham vấn ý kiến các chuyên gia.

Trước đó, Nhật Bản công bố số liệu về dịch bệnh COVID-19 ngày 5/1 với tốc độ lây lan đáng lo ngại khi lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua vượt 2.000 ca mới trong ngày, riêng tỉnh Okinawa có 623 ca mới, đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 28/8/2021 con số mắc mới hàng ngày vượt 600 ca. 

Thủ đô Tokyo trong ngày 5/1 cũng ghi nhận tới 390 ca mới, mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Theo kết quả điều tra đối với 55 ca nhiễm biến thể Omicron tại Tokyo tính đến hết ngày 4/1, có tới 37 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 67%, 1 người tiêm đủ 3 mũi, 2 người tiêm 1 mũi và 15 người chưa tiêm vaccine. Giới chức thành phố kêu gọi người dân không nên chủ quan dù đã tiêm 2 mũi vaccine, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản để tránh nguy cơ nhiễm biến thể Omicron.

Trường Dụy - Phạm Tuân (TTXVN)
25% số ca mắc mới COVID-19 tại Italy dưới 20 tuổi
25% số ca mắc mới COVID-19 tại Italy dưới 20 tuổi

Theo phóng viên TTXVN tại Roma, Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Italy ngày 3/1 cho biết 25% số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua tại nước này là những người dưới 20 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN