Ngay cả đối với người dân Liban (Lebanon), cũng khó có thể nói rằng từ khi nào mọi chuyện đã trở tồi tệ đối với đất nước nhỏ bé, xinh đẹp của họ. Chắc chắn là từ rất lâu trước sáng sớm 1/10, khi quân đội Israel tiến vào miền nam Liban. Từ lâu trước ngày 27/9, khi Israel ám sát Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, người đã nắm quyền kiểm soát chính trị và an ninh của đất nước trong nhiều năm. Và từ lâu trước tháng 10 năm ngoái, khi Hezbollah và Israel bắt đầu các cuộc không kích và bắn tên lửa qua biên giới, đưa cuộc chiến ở Gaza đến miền nam xanh tươi, trù phú của Liban.
Hezbollah, lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, đồng thời là một đảng chính trị lớn và tổ chức dịch vụ xã hội, không điều hành Liban theo bất kỳ nghĩa chính thức nào. Nhưng dưới thời ông Nasrallah, đôi khi có vẻ như đó là lực lượng duy nhất quan trọng: một nhà nước trong một nhà nước, với quân đội, trường học, bệnh viện và chương trình thanh thiếu niên riêng.
Giờ đây, cái chết của ông đã trở thành cú sét đánh mới nhất giáng xuống Liban, một quốc gia Địa Trung Hải với 5,4 triệu dân vốn đã liên tục rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Nhiều người cho rằng nỗi thống khổ hiện tại của Liban bắt đầu vào năm 2019, khi nền kinh tế sụp đổ, kéo theo tầng lớp trung lưu từng hùng mạnh của đất nước này. Các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt diễn ra vào mùa thu không làm thay đổi được tầng lớp chính trị đã mất uy tín của đất nước.
Những người khác có thể nhắc đến năm 2020, năm mà đại dịch COVID-19 tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế và năm mà một vụ nổ lớn tại cảng Beirut đã phá hủy toàn bộ các khu phố lân cận.
Một lý lẽ hợp lý khác có thể được đưa ra để quay ngược lại cuộc nội chiến kéo dài 15 năm kết thúc vào năm 1990, thời điểm đã sản sinh ra phong trào trở thành Hezbollah và cũng từ đó, đất nước này không bao giờ thực sự phục hồi.
Tất cả những cuộc khủng hoảng này và nhiều cuộc khủng hoảng khác đã khiến Liban không thể chống chọi với một cuộc xung đột leo thang mạnh mẽ với Israel, giống như vụ va chạm liên hoàn của 10 chiếc xe bị cuốn vào đường đi của một cơn lốc xoáy.
Điều đó đã trở nên rõ ràng trong tuần qua, khi ít nhất 118.000 người Liban phải chạy trốn khỏi các cuộc không kích của Israel ở phía nam đất nước, tại Thung lũng nông nghiệp Bekaa và vùng ngoại ô Dahiya, thành trì của Hezbollah ở Beirut.
"Họ không có tiền và không kiểm soát được những gì đang diễn ra trên thực địa", Mark Daou, một thành viên độc lập của Quốc hội, cho biết khi tivi trong văn phòng của ông phát cảnh tắc đường kéo dài hàng giờ trên các con đường từ phía nam vào tuần trước.
Ông không ngạc nhiên khi chính phủ có vẻ bất ngờ, lưu ý rằng quân đội danh nghĩa của Liban có rất ít quyền lực thực sự. "Họ làm con tin cho bất kỳ quyết định đơn phương nào của Hezbollah".
Mặc dù chỉ định hàng trăm tòa nhà công cộng làm nơi trú ẩn cho những người phải di dời, nhưng chính phủ không thể cung cấp nệm, đồ giường, thực phẩm hoặc các nhu yếu phẩm khác. Thông tin về nơi trú ẩn lan truyền một cách bừa bãi thông qua truyền miệng và trên WhatsApp, với rất ít hướng dẫn chính thức. Các nơi trú ẩn nhanh chóng được lấp đầy, khiến hàng trăm người phải ngủ ở quảng trường công cộng, lối đi dạo ven biển, bãi biển hay dưới gầm cầu khi họ sơ tán khỏi vùng ngoại ô Dahiya.
Là người đứng đầu lâu năm của một nhóm mà Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, nhưng cũng là nhóm đã đẩy lực lượng Israel ra khỏi miền nam Liban khi nhà nước không thể, ông Nasrallah là anh hùng đối với một số người Liban và là kẻ bị nguyền rủa đối với những người khác. Nhưng quyền lực của ông lớn đến mức ít ai có thể dự đoán đất nước sẽ như thế nào nếu không có ông.
Liban đã gần hai năm không có tổng thống và chỉ có một chính phủ lâm thời. Nhà nước hầu như không cung cấp điện, khiến người dân phụ thuộc vào máy phát điện, nếu họ có khả năng chi trả.
Hàng nghìn bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên y tế, cũng như nhiều chuyên gia trẻ, doanh nhân, nhà thiết kế và nghệ sĩ đã rời khỏi đất nước. Giáo viên thường xuyên không được trả lương; nhiều sinh viên không đủ tiền mua sách giáo khoa.
"Về nhiều mặt, đất nước không thể chịu đựng được một cuộc chiến tranh kéo dài", Sleiman Haroun, chủ tịch của một hiệp hội bệnh viện quốc gia Lebanon, cho biết.
Tức giận với các nhà lãnh đạo của mình, người dân Liban từ lâu đã không còn mong đợi bất cứ điều gì từ họ. Các nhà tài trợ tư nhân, tình nguyện viên, nhóm cứu trợ công dân, doanh nhân và các tổ chức dịch vụ xã hội liên kết với các đảng phái chính trị đã bước vào khoảng trống mà nhà nước để lại.
Trong tuần qua, khi các nơi trú ẩn tràn ngập người dân phải di dời, một nhóm tình nguyện viên và các nhóm cứu trợ địa phương đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống.
Ngay bên trong cổng của một trường tư thục ở trung tâm Beirut vào tuần trước, Sarah Khalil, một thành viên hội đồng quản trị đang giúp quản lý từng đợt quyên góp - thực phẩm, nước, tủ lạnh - được đưa đến sân trường. Trường đã mở 50 phòng học cho các gia đình phải di dời, và các giảng viên, hàng xóm, thành viên gia đình học sinh và các chi nhánh khác của trường thì mang theo đồ tiếp tế.
Khi được hỏi tại sao chính phủ không hỗ trợ thêm, Mohamed Jaber, một tình nguyện viên, đã bật cười chua chát: “Ngay từ đầu đã không có chính phủ rồi", anh nói, "Chính phủ sẽ chỉ thức dậy sau khi chiến tranh kết thúc.”