Hãng thông tấn nhà nước SANA ngày 27/10 dẫn tuyên bố của Văn phòng truyền thông Phủ Tổng thống Syria nêu rõ thông điệp trên. Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh sẽ không có ý tưởng hay sáng kiến nào được thực thi nếu không ưu tiên sứ mệnh tiêu diệt khủng bố.
Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau chuyến thăm Syria của nghị sĩ Nga Aleksandr Yushenko. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 25/10, ông Yushenko cho biết Tổng thống Assad sẵn sàng thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp, tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống sớm, nếu người dân Syria cho rằng điều này là cần thiết. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử trên chỉ được tổ chức "sau khi cuộc chiến chống khủng bố giành thắng lợi và đất nước được giải phóng".
Người dân tuần hành ủng hộ Tổng thống Nga Valdimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Damascus ngày 13/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, nghị sĩ đảng Dân chủ Cơ đốc cánh tả đối lập của Pháp Jean-Frederic Poisson khẳng định việc tìm kiếm giải pháp đối với cuộc khủng hoảng ở Syria đòi hỏi phải có cuộc đối thoại với Tổng thống đương nhiệm Syria - vốn được người dân Syria bầu chọn. Phát biểu sau cuộc gặp với người đứng đầu Quốc hội Syria Jihad al-Lahham ở Damacus, ông Poisson nêu rõ: "Không một nước nào có thể quyết định ai sẽ là người lãnh đạo Syria, chỉ người dân Syria mới có quyền quyết định điều này". Dự kiến, ông Poisson cùng 2 nghị sĩ Pháp sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Assad trong ngày 28/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cũng trong ngày 27/10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry về cuộc khủng hoảng Syria. Đây là cuộc điện đàm thứ tư trong nhiều ngày qua giữa ông Lavrov và ông Kerry.
Thông báo trên website của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng hai quan chức ngoại giao này đã nhất trí về sự cần thiết phải có tất cả chính phủ của các nước chủ chốt trong khu vực cùng tham gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi đã gặp Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed Bin Zayed bàn về các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan cũng như các cuộc khủng hoảng khu vực. Hãng tin chính thức WAM của UAE đưa tin hai bên thống nhất "cần giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua việc hợp tác với các cường quốc tế và các nước có ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông, cũng như các giải pháp chính trị nhằm đảm bảo sự thống nhất của nhà nước Syria, duy trì sự ổn định của các thể chế tại nhà nước Hồi giáo này".
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) Stephen O'Brien nhấn mạnh tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Syria vẫn ngày một xấu đi với khoảng 13,5 triệu người đang cần sự hỗ trợ, trong đó có 6 triệu trẻ em.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Stephen cho biết chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có thêm 1,2 triệu người Syria phải cần đến sự giúp đỡ về nhân đạo. Ngoài ra, khoảng 0.000 người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải trong năm nay, trong đó 50% là người Syria. Hiện có khoảng 6,5 triệu người Syria đang phải sơ tán ở trong nước và 4,2 triệu người khác sang tị nạn ở một số quốc gia láng giềng. Đây được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thời kỳ hiện đại.
Còn theo phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), ít nhất 120.000 người Syria đã bị mất nhà cửa do tác động của xung đột tại các tỉnh Aleppo, Hama và Idlib kể từ đầu tháng này. Con số này đã tăng lên đáng kể so với ước tính 50.000 người do OCHA đưa ra hồi tuần trước.
Theo thống kê, cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại Syria đã khiến 250.000 người thiệt mạng.