Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 8/1 đã bác bỏ nỗ lực của chính phủ nhằm sửa đổi hiến pháp của nước này, theo đó sẽ cho phép chính phủ quyền đàm phán và ký kết các thỏa thuận hoặc hiệp ước quốc tế mà không cần có sự phê chuẩn trước của quốc hội.
Với đa số ủng hộ, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bỏ phiếu chống lại dự thảo sửa đổi điều 190 của hiến pháp năm 2007, cho rằng nội dung sửa đổi này là vi hiến bởi nói sẽ làm suy yếu chức năng kiểm soát của quốc hội.
Theo hiến pháp năm 2007, chính phủ Thái Lan phải giải trình trước quốc hội và đệ trình lên cơ quan lập pháp này một khung đàm phán trước khi tiến hành các bước để hoàn tất một hiệp định với các nước khác hay các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, Hạ viện Thái Lan gần đây đã phê chuẩn nội dung sửa đổi do đảng cầm quyền đề xuất, theo đó sẽ cho phép chính phủ bỏ qua cơ quan lập pháp trong các giai đoạn đầu trước khi tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội. Nội dung sửa đổi này sẽ tăng quyền cho chính phủ trong khi lại giảm bớt quyền của quốc hội.
Tháng 11 năm ngoái, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng bác bỏ nỗ lực của chính phủ nhằm sửa đổi một điều khoản hiến pháp để chuyển đổi thượng viện thành một cơ quan mà tất cả các thành viên đều được bầu ra. Biện pháp này từng được áp dụng trước khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị phế truất năm 2006.
TN(theo Kyodo)