Thông tin độc quyền được tờ Wall Street Journal (WSJ) công bố ngày 23/9 cho biết lệnh này được đưa ra để “sẵn sàng đối phó với một cơn bão có khả năng xảy ra”. Theo nguồn thạo tin ẩn danh, các cơ quan chính quyền cũng như doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương cũng được hướng dẫn công việc cần làm để xử lý hậu quả vào phút chót nếu Evergrande sụp đổ do không xử lý được khoản nợ lớn.
Chính quyền địa phương cũng nhận được yêu cầu sẵn sàng đối phó, ngăn chặn bất ổn, xử lý hiệu ứng phản đối lan truyền từ những người mua nhà; rộng hơn là hạn chế tình trạng lao động mất việc làm hàng loạt – đều là những kịch bản có thể xảy ra khi tình hình của Evergrande càng trở nên tồi tệ.
Chính quyền trung ương yêu cầu giới chức địa phương thành lập các nhóm kế toán và chuyên gia pháp lý để kiểm tra tình hình hoạt động tài chính của Evergrande tại các khu vực thuộc phạm vi ở địa phương. Chính quyền cũng sẽ thảo luận với các nhà phát triển bất động sản nhà nước và tư nhân để sẵn sàng tiếp quản các dự án tại địa phương mình, thành lập các nhóm thực thi pháp luật để kiểm soát tâm lý phẫn uất của khách hàng, không để nổ ra các cuộc biểu tình phản kháng diện rộng.
Đại diện của Evergrande, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc không phản hồi trước cầu hỏi của WSJ về đề nghị cho biết phản ứng chính thức trước thông tin trên. Tuần trước, Evergrande cho biết đã tiến hành thuê chuyên gia cố vấn tài chính để tìm ra lộ trình xử lý khó khăn hiện nay và thừa nhận vỡ nợ là nguy cơ hiện hữu. Ông lớn một thời trong ngành bất động sản Trung Quốc cảnh báo sức ép lớn về nguồn tiền và thanh khoản, nhưng cũng nhấn mạnh Evergrande phải nỗ lực hết sức để xử lý khủng hoảng thanh khoản liên quan đến khoản nợ trên 300 tỉ USD.
Evergrande là công ty bất động sản 25 năm tuổi, trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, phía nam Trung Quốc. Công ty hiện có 800 dự án bất động sản đang triển khai trên khắp hơn 200 thành phố ở đại lục. Những rắc rối về tài chính của Evergrande gây ra cú sốc với nhà đầu tư, các nhà cung cấp và tập thể nhân viên tập đoàn và bắt đầu tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế Trung Quốc.
Đầu tháng này, Ủy ban phát triển và ôn định tài chính – đầu mối giám sát tài chính hàng đầu tại Trung Quốc, đã gửi thông báo cho chính quyền các tỉnh, thành phố, yêu cầu thành lập các nhóm công tác chuyên giám sát bất ổn kinh tế, xã hội liên quan đến Evergrande.
Bất động sản đóng góp trực tiếp 7,3% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Ngành này tính gộp cả ngành liên quan khác như xây dựng, vật liệu xây dựng… có thể chiếm đến 30% tổng GDP. Chính quyền Bắc Kinh trong nhiều năm nay luôn phải đối mặt với thách thức trong kiềm chế giá bất động sản. Giá nhà đã tăng liên tục trong hai thập kỉ qua và vượt quá khả năng chi trả thực tế của người dân, nhất là ở những thành phố lớn.
Hoạt động đầu cơ, tăng nóng đã làm tăng tỉ lệ nợ công ty và hộ gia đình, gây ra quan ngại về bong bóng trên thị trường bất động sản sắp nổ tung. Ổn định, lành mạnh hóa thị thị trường nhà ở đã trở thành điểm ưu tiên trong điều phối chính sách của Trung Quốc, với khẩu hiệu mà chính quyền đưa ra là “nhà là để ở, chứ không phải để đầu cơ”. Xử lý khủng hoảng Evergrande hiện là bài toán không đơn giản với chính quyền: Vừa phải bảo đảm định hướng lành mạnh hóa thị trường, nhưng không để gây ra tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế.