Trong tuyên bố, Chính phủ Yemen hoan nghênh việc Saudi Arabia kêu gọi tiến hành đối thoại, song nêu rõ các lực lượng thuộc Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) "phải thực hiện cam kết rút hoàn toàn khỏi các khu vực mà các lực lượng đã chiếm giữ bằng vũ lực trong vài ngày qua, trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào".
Aden được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Yemen Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Ông Hadi hiện đang sống lưu vong ở Saudia Arabia kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi năm 2014. Ngày 10/8 vừa qua, các nhóm vũ trang ở miền Nam Yemen được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát phần lớn Aden, trong đó có 5 doanh trại quân đội, phủ Tổng thống và Văn phòng Thủ tướng. Giao tranh giữa các nhóm vũ trang miền Nam với các lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen tại Aden đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Diễn biến này được xem là một đòn giáng mạnh vào liên minh giữa Saudi Arabia và UAE trong chiến dịch kéo dài hơn 4 năm qua tại Yemen. Ngay sau khi nổ ra xung đột, Saudi Arabia đã mời Chính phủ của Tổng thống Hadi và STC tham gia một cuộc gặp tại thủ đô Riyadh nhằm giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Saudi Arabia đề nghị một lệnh ngừng bắn tại Aden và cảnh báo sẽ có biện pháp quân sự đối với lực lượng ở miền Nam Yemen.
Người đứng đầu STC Aidarus al-Zubaidi tuyên bố lực lượng này sẵn sàng tham gia các cuộc tiếp xúc hòa giải do Saudi Arabia làm trung gian.
Tuy nhiên, một số nguồn tin an ninh thân cận với STC cho biết hiện lực lượng này vẫn chưa phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng rút khỏi Aden.
Bạo lực cũng đang làm phức tạp thêm các nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tại Yemen và đẩy đất nước vốn đã nghèo khó này đến bờ vực của nạn đói. Theo Điều phối viên Nhân đạo của LHQ tại Yemen Lise Grande, đã có 40 người thiệt mạng và 260 người bị thưởng kể từ khi bạo lực bùng phát từ ngày 8/8 tại Aden.